Diễn đàn VNF

Sông Cổ Cò: Ký ức về một dòng Lộ Cảnh Giang phồn thịnh

(VNF) - Lộ Cảnh Giang là một trong những cái tên mà người dân Quảng Nam – Đà Nẵng gọi sông Cổ Cò từ thế kỷ XVI đến XVIII. Đây cũng là một trong hai con đường thuỷ giúp các thương lái vận chuyển hàng hoá vào thương cảng Hội An, góp phần làm nên lịch sử huy hoàng một thuở của xứ Đàng Trong.

Sông Cổ Cò: Ký ức về một dòng Lộ Cảnh Giang phồn thịnh

Sông Cổ Cò

Điểm giao thương sầm uất giữa Đà Nẵng và Hội An

Dòng Lộ Cảnh Giang bắt đầu từ điểm giao nhau giữa sông Cẩm Lệ với sông Hàn, chảy ngoặt qua Non Nước rồi xuôi về hướng đông nam giáp Điện Ngọc (Điện Bàn). Theo nhà nghiên cứu lịch sử vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Võ Văn Hoàng, sông Cổ Cò có chiều dài khoảng 27,5km, còn được gọi là sông Bãi Dài, sông Dài, sông Hà Sấu, sông Bến Trễ, sông Đế Võng… Đây là con sông nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương của xứ Đàng Trong trước đây, nối liền tiền cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An sầm uất từ thế kỷ XVI đến XVIII.

Ông Võ Văn Hoàng cho biết từ giữa thế kỷ XVI, Hội An có một vị trí địa lý thuận lợi, khi nằm trên con đường hương liệu và gốm sứ trên biển nên sớm trở thành một trong những thương cảng lớn của xứ Đàng Trong. Thuyền buôn muốn vào Hội An phải đi bằng hai con đường. Một là nếu đến từ phương Nam, thuyền sẽ vào Đại Chiêm Hải Khẩu để đến Hội An. Hai là nếu đến từ phương Bắc, thuyền sẽ qua Đà Nẵng, vào cửa Hàn, sau đó đi dọc theo sông Cổ Cò để đến Hội An. Đi bằng đường này sẽ tiện hơn vì không phải đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, rút ngắn được lộ trình mà lại an toàn sóng gió.

Nói thêm về thế kỷ XVII, theo nhà nghiên cứu Võ Văn Hoàng, đây là giai đoạn cực thịnh của cảng thị Hội An. Lúc này, các chúa Nguyễn đã cho phép thương nhân nước ngoài đến Hội An buôn bán, trong đó thương nhân người Nhật và người Hoa cho phép chọn đất, cất phố, lập làng để tiện việc thương mại. Chính nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi cũng như các chính sách ưu đãi của chúa Nguyễn đối với thương nhân ngoại quốc, Hội An sớm phát triển và trở thành một đô thị thương cảng nằm ở ven sông.

Trong khi cảng thị Hội An phát triển thịnh vượng, Đà Nẵng vẫn còn là một mảnh đất nằm bên vịnh biển. Phải đến năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng mới trở thành một thương cảng lớn, tiếp đón tàu thuyền của các quốc gia trên thế giới đến neo đậu và trao đổi hàng hóa. Việc này đã thúc đẩy các ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản, dịch vụ thương mại... ở Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên, lúc bấy giờ tiền cảng Đà Nẵng vẫn chưa phát triển mạnh.

Ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý (3/10/1888), dưới áp lực của thực dân Pháp, vua Đồng Khánh ký một đạo dụ ghi rõ: “Các lãnh thổ thuộc các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được chính phủ Đại Nam kiến lập thành nhượng địa Pháp và nhượng trọn quyền sở hữu cho chính phủ Pháp, và chính phủ Đại Nam từ bỏ mọi quyền hành trên lãnh thổ đó”. Từ đó, Đà Nẵng trở thành “nhượng địa” của thực dân Pháp.

Để khai thác Đà Nẵng, người Pháp tách vùng đất này khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Tourane được người Pháp kiến thiết, xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu phương Tây.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển như: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu như: chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô; sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ... Cùng với những thành phố chịu sự cai quản của người Pháp như Sài Gòn, Hải Phòng thì Tourane trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.

Giữa Đà Nẵng và Hội An, các hoạt động thương mại hầu như được thực hiện bằng đường sông Cổ Cò. Điều đó đã khiến dòng sông không chỉ là một tuyến giao thông đơn thuần mà còn trở thành một dòng sông thương mại.

Cổ Cò chìm dần vào trong những ký ức

Đến những năm đầu của thế kỷ XX, những trận lụt lớn đã liên tiếp xảy ra khiến sông Cổ Cò bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng, mà lúc bấy giờ người Pháp lại chưa có phương tiện để nạo vét. Điều đó buộc họ phải tìm một con đường khác thay thế. Các doanh nhân ở Đà Nẵng bấy giờ như Dérobert, J. Fiard đã đề nghị chính quyền Đông Dương thiết lập tuyến đường sắt Decouville nối liền Đà Nẵng - Hội An (người Pháp lúc bấy giờ thường gọi là “Tramway de l’ilôt de l’observatoire à Faifo”) để thay thế cho sông Cổ Cò. Đề nghị này được Phòng Thương mãi Đà Nẵng ủng hộ và coi đó như là giải pháp để cải thiện giao thông giữa hai thành phố này trong trường hợp nạo vét sông Cổ Cò không thi hành được.

Đến khoảng giữa năm 1904, khi không tìm ra ngân khoản để nạo vét sông Cổ Cò, chính phủ Đông Dương cho thực hiện con đường sắt Decouville. Song đến năm 1916, do nhiều nguyên do, tuyến đường sắt này bị dẹp bỏ. Sông Cổ Cò vẫn được sử dụng phần nào, nhưng càng về sau do sự bồi lấp của sông Cổ Cò lẫn sông Trường Giang càng nhiều nên tàu buôn quốc tế không còn cập bến Hội An nữa.

Hơn 100 năm trôi qua, với biết bao biến thiên của tự nhiên cũng như lịch sử, dòng Cổ Cò xưa đã bị bồi lấp, đứt gãy thành nhiều đoạn, có nơi biến thành ruộng đồng hay những vụng, đầm, phá… Dấu ấn của một con sông từng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của xứ Đàng Trong, thông thương giữa tiền cảng Đà Nẵng và cảng thị Hội An một thời vang danh trong lịch sử, chỉ còn lưu dấu qua những tấm bản đồ hay trong các thư tịch cổ.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hoàng cho hay chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện đang tiến hành thực thi dự án nạo vét, khơi thông, nhằm cải thiện điều kiện khí hậu khu vực, tạo cảnh quan kiến trúc, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ, du lịch hai bên sông Cổ Cò, đồng thời biến con sông này trở thành một tuyến tham quan, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

“Hy vọng dự án này sớm trở thành hiện thực, sông Cổ Cò sẽ trở mình sống dậy sau hơn hàng trăm năm bị bồi tụ, ngăn chặn… giúp cho đời sống của người dân hai bên bờ được cải thiện và ngày càng phát triển”, ông Võ Văn Hoàng nói.

Tin mới lên