Ngay sau khi ông Bradley công khai thông tin này trong một bài đăng trên mạng LinkedIn, Chủ tịch Huawei Eric Li tiết lộ ông Bradley sẽ không hoàn toàn ‘dứt tình’ với Huawei mà sẽ trở thành cố vấn đặc biệt của công ty và trợ giúp công ty trong trường hợp cần thiết.
"Chúng tôi rất buồn khi chứng kiến Bradley ra đi nhưng cũng cảm thấy biết ơn vì những đóng góp không mệt mỏi của ông ấy trong việc quảng bá hình ảnh công ty cũng như xây dựng những mối quan hệ với chính quyền", ông Li viết.
Ông Scott Bradley.
Huawei là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn ở Canada , nơi ông Bradley từng giữ chức chủ tịch Hội đồng 5G Canada, một nhóm thương mại quốc gia thúc đẩy áp dụng công nghệ mạng không dây tốc độ cao thế hệ tiếp theo.
Động thái này của ông Bradley được nhiều người phỏng đoán là hệ quả của sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc, sau khi Ottawa bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Văn Chu) hồi đầu tháng 12 theo yêu cầu của Mỹ.
Hiện tại, bà Meng đã được cho phép tại ngoại nhưng đang đấu tranh pháp lý để tránh bị dẫn độ sang Mỹ. Nếu bị buộc tội tại Mỹ, bà Meng có thể ngồi tù hàng chục năm.
Kể từ khi bà Meng bị bắt giữ, sức ép gia tăng lên các công ty chi nhánh của Huawei hoạt động tại châu Âu. Tháng trước, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề công nghệ Andrus Ansip cảnh báo EU về rủi ro an ninh liên quan đến Huawei.
Đầu tháng này, cả Na Uy và Thụy Điển tuyên bố họ sẽ điều tra xem liệu có nên để Huawei hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thế hệ mạng di động thứ 5 (5G) cho họ hay không.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Văn Chu).
Huawei được cho là đang tiếp tục phải đối diện với một làn sóng tẩy chay khi các thị trường chủ chốt ở châu Âu có động thái dè chừng thiết bị do hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc sản xuất.
Công ty viễn thông Orange của Pháp đã loại Huawei khỏi danh sách cung cấp thiết bị cho dự án mạng 5G trong khi công ty Deutsche Telekom của Đức tuyên bố họ đang xem xét lại việc hợp tác với công ty Trung Quốc.
Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản cũng đã chính thức tuyên bố loại các thiết vị viễn thông của công ty Huawei Technologies và Tập đoàn ZTE của Trung Quốc khỏi các hợp đồng mua sắm công từ tháng 4 năm sau.
Mới đây, Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan (PISA) đã bắt giữ giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Huawei tại thủ đô Warsaw với cáo buộc gián điệp.
Theo truyền thông Ba Lan, ngoài giám đốc kinh doanh của Huawei, PISA còn bắt giam một cựu nhân viên tình báo cấp cao Ba Lan tại thủ đô Warsaw với cáo buộc tương tự.
Xem thêm >> Nga kiên quyết tách nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của USD