Startup Việt nhận đầu tư từ một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc

Hoàng Sơn - 28/03/2019 08:54 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 26/3, ZeroBank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác và đầu tư với Bineal Technology Ltd.

VNF
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác và đầu tư giữa ZeroBank và Bineal Technology Ltd tại TP. HCM.

ZeroBank là một dự án khởi nghiệp do đội ngũ người Việt Nam xây dựng với các tính năng như ví điện tử, chuyển tiền phi thương mại xuyên biên giới, tiền du lịch điện tử dành cho khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, ứng dụng này còn cho phép người dùng sử dụng trong việc quyên góp từ thiện cho những người cần giúp đỡ khẩn cấp.

Được biết, dự án này có sự phối hợp hợp tác của nhiều công ty đa quốc gia: Bảo Kim (Việt Nam), FQPAY (Trung Quốc), AmeerTech (Singapore), công ty kiều hối Anh Quang, công ty kiều hối Bắc Á…

Về phía Bineal Technology Ltd, đây là một công ty quản lý sàn giao dịch tiền kỹ thuật số (coineal) có trụ sở tại Trung Quốc. Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2018 nhưng hiện nay sàn giao dịch Bineal Technology Ltd có vốn hoá giao dịch vào khoảng 600 triệu USD (theo thống kê tại website thống kê số lượng giao dịch tiền thuật toán coinmarketcap).

Trong khi đó, Coineal Labs là một vườn ươm Blockchain được Bineal Technology Ltd thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ và hỗ trợ toàn diện lâu dài về vốn và toàn bộ các chiến lược cho các dự án có giá trị tiềm năng cao. Zerobank là một dự án đầu tiên được Coineal Labs lựa chọn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm và đưa ra toàn cầu hóa.

Hiện tại ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều ứng dụng tương tự. Một số ứng dụng có thể kể đến như Momo, Ví Việt, Moca, We Pay, Zalo Pay... Trong đó, MoMo hiện đang giữ vị trí Ví điện tử Số 1 và nền tảng cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ tại Việt Nam.

Tính đến nay, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo cũng đã tăng hơn gấp ba lần trong năm vừa qua.

Trong báo cáo mới đây, Bain & Co. dự báo, đến năm 2025, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng thêm 1.000 tỷ USD nếu như tận dụng tốt các cơ hội do thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung mang lại.

Riêng Việt Nam, theo tính toán ban đầu được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra, đến năm 2030, nền kinh tế sẽ có thêm khoảng 20 - 30 tỷ USD so với việc không ứng dụng công nghệ, chiếm khoảng 6 - 7% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng được góp thêm 1 - 1,5% từ việc ứng dụng này.

Cùng chuyên mục
Tin khác