Nguy cơ sụp đổ của thị trường nhà ở Trung Quốc ngày càng gia tăng

Minh Đăng - 18/06/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong lĩnh vực nhà ở từng bùng nổ của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khi dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy giá nhà trong tháng 5 thậm chí còn giảm sâu hơn tháng trước.

Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc, không bao gồm nhà ở được nhà nước trợ cấp, đã giảm 0,71% trong tháng 5 so với tháng 4, theo số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/6.

Đây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 10/2014, một thời điểm khác khi thị trường nhà ở Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng trong bối cảnh giá cả và doanh số bán hàng hạ nhiệt.

Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc, không bao gồm nhà ở được nhà nước trợ cấp, đã giảm 0,71% trong tháng 5 so với tháng 4 (Ảnh: JADE GAO/AFP/GETTY IMAGES)

Khoảng 10 năm trước, lĩnh vực nhà ở, vốn là động lực đầu tư chính nhằm củng cố nền kinh tế đất nước, đã đe dọa sự tăng trưởng của Trung Quốc sau nhiều thập kỷ kinh doanh bùng nổ.

Giờ đây, cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản bắt đầu từ năm 2020 đang đè nặng lên quá trình phục hồi khó khăn của đất nước sau đại dịch Covid-19 và đe dọa gây bất ổn cho thị trường trong nước và toàn cầu.

Thị trường nhà ở Trung Quốc được ước tính chiếm tới 30% hoạt động kinh tế của đất nước.

Theo dữ liệu mới nhất, giá trị của những ngôi nhà hiện có cũng giảm 1% trong tháng 5, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ ít nhất là năm 2011, khi Trung Quốc bắt đầu sử dụng phương pháp thu thập thông tin hiện tại. So với một năm trước, giá nhà mới giảm 4,3%, trong khi giá nhà hiện tại thậm chí còn giảm sâu hơn lên tới 7,5%.

Những con số dường như báo hiệu rằng động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm giải cứu lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn vẫn chưa tạo ra sự thay đổi đáng kể.

Giới chức Trung Quốc đã cố gắng giải quyết tình trạng suy thoái hiện tại bằng gói giải cứu sâu rộng vào tháng trước, bao gồm nới lỏng các quy định thế chấp và yêu cầu chính quyền địa phương trên cả nước mua những ngôi nhà chưa bán được từ các nhà phát triển và biến chúng thành nhà ở xã hội giá cả phải chăng.

Để hỗ trợ chính quyền địa phương trong một hoạt động có thể tốn kém như vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp khoản vay 300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 41,5 tỷ USD) thông qua một chương trình quy mô toàn quốc.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra chậm và tình trạng dư cung trên thị trường trong nước tiếp tục kéo giá xuống thấp hơn. Các quan chức Bắc Kinh được cho là đã ra tín hiệu vào đầu tháng này rằng nếu gói giải cứu không mang lại kết quả, họ có thể chuyển sang giảm lượng hàng tồn kho.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi các quan chức của họ giữ “tư duy cởi mở” trong việc xây dựng các chính sách mới nhằm giảm nguồn cung và ổn định thị trường. “Chúng ta nên thúc đẩy một cách đều đặn và cụ thể việc tiêu thụ và hồi sinh những ngôi nhà và đất đai hiện có với tư duy cởi mở và tư duy mở rộng”, cơ quan này nhấn mạnh.

Theo News Week
Na Uy phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu, lật đổ thống trị của Trung Quốc?

Na Uy phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu, lật đổ thống trị của Trung Quốc?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Việc một công ty khai thác phát hiện ra trữ lượng đất hiếm (REE) lớn nhất châu Âu có thể làm mất đi vị thế thống trị của Trung Quốc đối với các vật liệu được sử dụng để chế tạo một loạt các thành phần công nghệ và quân sự quan trọng, theo Newsweek.
Cùng chuyên mục
Tin khác