Sự tương thích của pháp luật về ĐTNN với các cam kết trong EVFTA

Nguyễn Văn Toàn - 04/09/2018 08:31 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 1/12/2015 , Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu ( EVFTA) đã chính thức kết thúc đàm phán và ngày 1/2/2016, văn bản hiệp định đã được công bố. Gần đây nhất, ngày 26/6/2018 hai bên thống nhất tách EVFTA thành hai hiệp định (thương mại và đầu tư) và công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại.

VNF
Sự tương thích của pháp luật về đầu tư nước ngoài với các cam kết trong EVFTA.

Cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (nay là CP-TPP), EVFTA là một trong hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao nhất mà Việt Nam tham gia, đem đến nhiều cơ hội to lớn kèm theo những thách thức không nhỏ trong tiến trình hội nhập và phát triển. Tận dụng triệt để những cơ hội, chấp nhận và vượt qua các rào cản, khó khăn của thách thức là con đường sáng dẫn tới thành công.

Vậy đâu là sự khác biệt của FTA thế hệ mới so với các FTA trước đó, những nội dung FTA thế hệ mới về đầu tư, tính tương thích của pháp luật Việt Nam với những cam kết trong EVFTA, các giải pháp cần thiết để thu hút và tận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam?

Quan hệ thương mại Việt Nam - EU trong thời gian qua đã có những tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của EU trong các nước Asean, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 12 lần từ 4 tỷ USD lên hơn 50 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2017. Việt Nam hiện đang có thặng dư thương mại với EU khoảng 31,8 tỷ USD. EU là thị trường nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam và là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Tuy vậy, trong lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối năm 2017, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ EU là 22 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có quan hệ thương mại tương đương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Nếu nhìn về số liệu đầu tư ra nước ngoài của EU và các quốc gia so sánh, là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam, cũng có thể thấy đầu tư từ EU vào Việt Nam còn khá khiêm tốn, theo báo cáo đầu tư toàn cầu của UNCTAD. Năm 2017, đầu tư ra nước ngoài của Cộng hòa liên bang Đức là 82 tỷ USD, của Pháp là 58 tỷ USD. Trong khi đó theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2018, tổng vốn lũy kế (trong 30 năm) đầu tư của Đức vào Việt Nam là 1,8 tỷ USD, của Pháp là 2,7 tỷ USD, của Anh là 3,57 tỷ USD. Còn một quốc gia nhỏ của EU là Hà Lan hiện đang đứng đầu trong 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 8,6 tỷ USD.

Qua những số liệu so sánh và phân tích trên có thể thấy, nếu EVFTA được triển khai thực thi, tiềm năng và dư địa thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng từ EU của Việt Nam là rất lớn. Vấn đề đặt ra là môi trường đầu tư, trong đó có môi trường pháp lý phù hợp với những cam kết trong EV-FTA hay chưa.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp, phát triển công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp Việt, sự kết nối và tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI đến từ EU là hết sức quan trọng để không chỉ thu hút nguồn vốn mà tận dụng hiệu quả nguồn vốn FDI cho phát triển trong trong ngắn hạn và dài hạn.

Trước hết, cần so sánh tính tương thích của các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư của Việt Nam với các điều khoản cam kết về đầu tư trong EVFTA.

Về tự do hóa đầu tư, có ba cam kết cơ bản: Cam kết thực thi đối xử tối huệ quốc, cam kết thực thi đối xử quốc gia và cam kết liên quan đến hoạt động đầu tư.

• Về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, cần có sự so sánh với các FTA trước mà Việt Nam đã ký kết để có những ưu tiên cao nhất cho các FDI đến từ EU như: quy định thành lập và mở rộng doanh nghiệp, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, các nội dung liên quan đến thuế, tiếp cận đất đai...

• Về nguyên tắc đối xử quốc gia, Trong Luật Đầu tư 2014 có một số quy định khác biệt giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước như các nội dung trong điều 22, 23, 25, 26, 27, 28 và 37 nhưng những nội dung trên vẫn phù hợp với EVFTA vì đã được bảo lưu trong biểu cam kết. Tuy nhiên EVFTA áp dụng nguyên tắc này cho tất cả các lĩnh vực ngoại trừ các trường hợp đã được chỉ rõ trong điều 3 và phụ lục NT của EVFTA, do đó đối với các trường hợp không có cam kết trong WTO và không thuộc loại trừ của EVFTA thì những phân biệt đối xử về điều kiện hoạt động giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước là không phù hợp với EVFTA.

• Cam kết liên quan đến hoạt động đầu tư: Các quốc gia thành viên không được đặt ra các yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài như tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa, cam kết chuyển giao công nghệ... Các quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng không được đặt ra các điều kiện, tiêu chí để xem xét nhà đầu tư nước ngoài được hưởng hay tiếp tục được hưởng các ưu đãi đầu tư... Một số quy định liên quan rải rác nằm trong các văn bản pháp luật cần được rà soát chỉnh sửa phù hợp.

1. Cam kết về bảo hộ đầu tư, có ba nội dung liên quan đến cam kết: Cam kết chuẩn đối xử tối thiểu, cam kết liên quan đến tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và quy định nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền tự do ra ngoài nước tiếp nhận đầu tư .

• Cam kết về chuẩn đối xử tối thiểu: trong các FTA thế hệ cũ đã có những quy định về đối xử công bằng, thỏa đáng, đảm bảo an ninh, an toàn song những quy định này còn chung chung dẫn đến nhiều tranh chấp trong quá trình thực thi. EVFTA đã làm rõ hơn, cụ thể hơn trong điều 14, do vậy cần nghiên cứu, bổ sung những quy định và quy trình phù hợp.

• Cam kết liên quan đến tước đoạt quyền sơ hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được quy định rất rõ, theo đó các nước tiếp nhận đầu tư chỉ được trưng dụng, trưng mua, tước đoạt của các nhà đầu tư vì mục đích công cộng như an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và thực thi theo nguyên tắc không phân biệt đối xử và bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng theo giá thị trường, trừ các hành vi tước đoạt quyền sở hữu để thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, y tế, văn hóa, đạo đức xã hội thì không phải bồi thường. Việc triển khai thực hiện cam kết này cần được quy định cụ thể tránh sảy ra những tranh chấp.

• Cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền tự do vào và ra khỏi nước tiếp nhận đầu tư không hạn chế theo tỷ giá chuyển đổi. Cần minh bạch hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết.

Cam kết về cơ chế giải quyết tranh chấp: có hai nội dung liên quan: cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thành viên hai phía Việt Nam và EU và co chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư.

Trong hai nội dung trên, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư là vấn đề phức tạp nhất, có ba phương thức giải quyết: (i) tự thương lượng hòa giải, (ii) tham vấn và trọng tài, (iii) các cam kết ưu tiên tự hòa giải và tham vấn, nếu không thể giải quyết thông qua hai phương thức trên mới sử dụng phương thức trọng tài. Trong điều 14 Luật Đầu tư 2014 có quy định tương thích về ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, đàm phán, hòa giải tương thích với EVFTA nhưng chưa có quy định điều chỉnh tranh chấp trọng tài giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước Việt Nam.

Các quy định về xử lý tranh chấp trong EVFTA rất rõ ràng, cụ thể và chi tiết, do đó chúng ta có thể viện dẫn và áp dụng trực tiếp khi nó là những nội dung không thể thay đổi khi có tranh chấp và xử lý tranh chấp, cũng cần điều chỉnh những nội dung trong văn bản pháp luật liên quan phù hợp.

Do EVFTA thành lập một ủy ban riêng để giải quyết các tranh chấp, và cơ chế sử dụng trọng tài khác do các bên thỏa thuận, việc xây dựng trung tâm trọng tài quốc tế, trung tâm hòa giải, đội ngũ trọng tài viên đủ năng lực và phẩm chất tham gia các quá trình xử lý tranh chấp là hết sức cần thiết tránh những bất lợi cho phía Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp sảy ra.

Một số vụ kiện có yếu tố nước ngoài kéo dài từ nhiều năm qua đã đem đến cho chúng ta nhiều bài học trong việc giải quyết các tranh chấp của nước tiếp nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Về tổng thể, các quy định trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản dưới luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài (đặc biệt là quyết định 04/2014 ngày 14/01/2014 của chính phủ về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế) phần lớn phù hợp với các cam kết về đầu tư trong EVFTA. Song việc rà soát tất cả các nội dung cụ thể trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan, tìm ra những nội dung không tương thích, chỉnh lý kịp thời để đảm bảo tính nhất quán và ổn định là hết sức cần thiết. Việc triển khai tuyên truyền phổ biến các thông tin và kiến thức hội nhập cho người dân và doanh nghiệp cũng rất quan trọng, hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch sẽ giảm những vấp ngã trong bước tiến hội nhập.

Để tận dụng thời cơ thu hút đầu tư nước ngoài từ các quốc gia EU do EVFTA đêm lại, ngoài việc cần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài trên cơ sở ưu tiên sự tương thích với các cam kết trong EVFTA, đồng thời cần thiết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Quyết tâm của chính phủ và các bộ ngành liên quan trong việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính là điểm sáng trong tiến trình đổi mới và phát triển trong thời gian qua.

Cuộc cách mạng chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy công quyền tuy còn nhiều cam go nhưng đã thu được những kết quả khả quan, lấy lại lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một xã hội minh bạch và quyết tâm loại bỏ tham nhũng là môi trường hấp dẫn lý tưởng cho nguồn vốn đầu tư chất lượng từ EU và các quốc gia tiên tiến.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong đó có nguồn vốn từ EU, cần phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa theo cả số lượng, quy mô và chất lượng, đủ sức hợp tác và cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Việt nam và quốc tế. Những nội dung cụ thể như phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển là những vấn đề cơ bản, then chốt.

Ngày 26/7/2018, trong buổi tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ông Bernd Lange, chủ tịch ủy ban thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, hai bên đánh giá cao EVFTA có vai trò tích cực trong phát triển thương mại và thu hút đầu tư, không chỉ tạo sự ổn định mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Các văn kiện của Hiệp định này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và EU hoàn tất, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình này để sớm ký kết vào cuối năm nay. EVFTA đang đến rất gần, cần một tư thế mới, một tâm thế mới để tận dụng cơ hội vàng cho hội nhập, phát triển.

Cùng chuyên mục
Tin khác