Tài chính cá nhân và tín dụng đối với sinh viên Việt Nam: Thực tiễn và giải pháp

Nhóm tác giả (*) - 06/12/2023 17:07 (GMT+7)

(VNF) - Sinh viên Việt Nam đang phải đối mặt vói những biến động kinh tế - tài chính đầy thách thức. Trang bị đầy đủ kỹ năng tài chính cá nhân sẽ là yếu tố cần thiết cho các bạn trẻ ở thời điểm hiện tại.

Vai trò của tài chính cá nhân

Nền kinh tế hiện nay đang đối mặt với những bất ổn về kinh tế - tài chính trong kỷ nguyên VUCA (Volatility – Biến động, Uncertainty – Bất ổn, Complexity – Phức tạp và Ambiguity – Mơ hồ), và hàng tỷ người đang không có sự chuẩn bị cần thiết trong bối cảnh này (Klapper, Lusardi, & Oudheusden, 2015).

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiểu biết về tài chính (financial literacy) đã được công nhận toàn cầu như một kỹ năng sống quan trọng đối với cá nhân (OECD INFE, 2012). Năm 2014, cuộc khảo sát Toàn cầu về Hiểu biết Tài chính của S&P đã cho thấy rằng dù tình hình kinh tế của các quốc gia như thế nào thì hiểu tài chính của đa phần người dân đều ở mức thấp (Lusardi & Klapper, 2015).

Cuộc khảo sát Toàn cầu về Hiểu biết Tài chính của Worldbank vào năm 2015 cũng tiết lộ rằng cứ ba người trưởng thành trên thế giới có một người không biết gì về tài chính.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, công dân có hiểu biết về tài chính có thể giúp nền tài chính của quốc gia đó phát triển, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế thực sự và giảm nghèo (Faboyede & cộng sự, 2015). Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi và đang trên đà phát triển, trình độ tài chính của người Việt vẫn còn chưa cao, đặc biệt là với sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước.

Mỗi cá nhân trải qua một chu kỳ tài chính giống như chu kỳ tự nhiên của cuộc sống (Gitman & Joehnk, 2008). Nhóm tác giả giải thích chu kỳ tài chính cá nhân liên quan đến các giai đoạn khác nhau của vòng đời.

Các phương thức quản lý thu nhập, ngân sách, tài sản, tín dụng, bảo hiểm, kế hoạch hưu trí, sở hữu bất động sản  và đầu tư cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Các giai đoạn của chu kỳ lập kế hoạch tài chính cá nhân sẽ bắt đầu từ thời thơ ấu, khi cá nhân phụ thuộc vào bố mẹ để được hỗ trợ, đến độ tuổi trưởng thành sớm, khi tuyển dụng vào công việc đầu tiên và khi bắt đầu một gia đình, sẽ có những thay đổi đáng chú ý trong quyết định tài chính của cá nhân (Gitman & Joehnk, 2008).

Lý thuyết này cho rằng trong chu kỳ cuộc sống, mỗi cá nhân sẽ có ý định lập kế hoạch cho tài chính tương lai thông qua tích lũy tài sản khi bắt đầu có thu nhập và sẽ có khoản tiết kiệm để chi tiêu khi về hưu, nhưng vẫn kiểm soát mức tiêu thụ để cân đối các vấn đề tài chính một cách tốt nhất có thể (Hodges, 2013).

Do đó, trong tài chính cá nhân, việc quản lý các nguồn lực tài chính của cá nhân và gia đình ở mỗi giai đoạn trong  chu kỳ cuộc sống đóng vai trò nền tảng. Mỗi cá nhân cần cải thiện tình hình tài chính của bản thân để có thể đạt được, duy trì và độc lập tài chính cá nhân, và sau đó là cải thiện cuộc sống của bản thân và những người có mối quan hệ gần gũi.

Tài chính cá nhân đối với sinh viên

Việc xây dựng một nền tảng tài chính mạnh khỏe yêu cầu các kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả. Khi tỷ lệ thế hệ trẻ lựa chọn học đại học ngày càng cao, đồng thời chi phí học đại học cũng sẽ ngày càng tăng do xu hướng tự chủ đại học, thế hệ này sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính. Và chính những kỹ năng tài chính cá nhân trong giai đoạn này sẽ là thước đo quan trọng để giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức tài chính và thành công trong sự nghiệp.

Các thống kê đã chỉ ra sự cần thiết của hiểu biết tài chính nói chung và kỹ năng tài chính cá nhân nói riêng đối với sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Việc xây dựng kỹ năng tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao hiểu biết tài chính của thế hệ trẻ, và nâng cao sự chuẩn bị cần thiết về tài chính cho sinh viên.

Sinh viên đang bước vào giai đoạn mới trong cuộc sống, và đối mặt với nhiều quyết định tài chính quan trọng. Các bạn trẻ bắt đầu tự lập và tự quyết định cuộc đời mình. Họ phải tự quản lý ngân sách để đáp ứng chi tiêu hàng ngày, tiền thuê nhà, tiền học phí, sách giáo khoa và các chi phí khác.

Việc học cách lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm và đầu tư từ khi còn trẻ giúp sinh viên xây dựng nền tảng tài chính mạnh mẽ khi trưởng thành. Bên cạnh đó, việc có được hỗ trợ tài chính tốt giúp sinh viên giảm căng thẳng và lo lắng về vấn đề tài chính trong thời gian học tập, tập trung vào việc học tập và phát triển bản thân.

Tín dụng đối với sinh viên

Tín dụng dành cho sinh viên đại học được coi như một khoản đầu tư vào vốn con người, cho dù khoản tín dụng này đến từ gia đình (không hoàn trả hoặc hoàn trả dưới hình thức khác), hay tín dụng xã hội. 

Việc xác định đi học là một khoản đầu tư sẽ giúp cho sinh viên nâng  cao hiểu biết về tài chính và từ đó, đạt được thu nhập cao hơn. Việc vay tiền đề đầu tư học đại học được coi là nợ  tốt.  Đối với sinh viên đại học, quyết định sử dụng tín dụng để chi trả chi phí học đại học và các chi phí cần thiết sẽ là một quyết định tài chính quan trọng ảnh hưởng tới năng lực tài chính sau này trong cuộc sống.

Tín dụng sinh viên là chính sách quan trọng trong các chính sách về tài chính giáo dục đại học. Trong bối cảnh nhiều nước phải áp dụng học phí sinh viên, ngay cả đối với sinh viên trường công lập thì tín dụng sinh viên được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giúp duy trình sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo.

Tại Việt Nam, tín dụng sinh viên được áp dụng lần đầu vào năm 1994, và sau đó đến năm 2007 đã trở thành một chương trình chính thức cấp quốc gia.

Theo một  khảo sát của Thành đoàn TP. HCM năm 2023, trên tổng số lượng 18.988 phiếu khảo sát cho 62 đơn vị Cao đẳng Đại học trên địa bàn TP. HCM.

Khảo sát về lịch sử tín dụng của sinh viên TP. HCM

59% số Sinh viên trên số mẫu khảo sát tương ứng  đã từng vay vốn. Con số này nói lên mức độ quan trọng của tín dụng dành cho sinh viên, và nhu cầu vay này thể hiện việc sinh viên đã và đang có trách  nhiệm về tài chính với bản thân và với hoạt động học tập của mình. Trong số sinh viên vay vốn này, 47% vay từ bạn bè người thân và 36% vay từ ngân hàng chính sách xã hội.

Như vậy, tại Việt Nam, ngân hàng chính sách xã hội có vai trò gắn kết với tình hình  tài chính  của sinh viên không có điều kiện học tập. Theo  Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và Quyết định 05/2022/QĐ-TTg, sinh viên có hoàn cảnh tài chính khó khăn theo quy định là đối tượng được hỗ trợ vay vốn sinh viên.

Trong đó, ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn sinh viên tối đa là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên với mức lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng), thời hạn trả nợ kéo dài khi sinh viên tốt nghiệp và tối đa bằng với thời hạn cho vay. Đây là nguồn tín chấp nhưng có sự đảm bảo của đại diện gia hộ gia đình, là “phao cứu cánh” của các em sinh viên có năng lực nhưng không có điều kiện tài chính.

Khảo sát về mục đích vay vốn của sinh viên TP. HCM (nhiều lựa chọn)

Thống kê cho thấy sinh viên có nhu cầu vay vốn cao trên tổng số sinh viên khảo sát. Điều này bao gồm các khoản vay sinh viên dành cho học phí, chi phí ăn ở, sách giáo khoa và các chi tiêu cần thiết khác.  

Trong đó, vay vốn đóng học phí là nhu cầu thiết yếu của đa số sinh viên không được hoặc không mong muốn hỗ trợ từ phía gia đình. Tuy nhiên, việc vay vốn cần được xem xét cẩn thận để tránh rơi vào tình  trạng tín dụng xấu và đi vào “bẫy tiêu dùng”.

Việc học cách quản lý tài chính cá nhân và xử lý nhu cầu vay vốn một cách khôn ngoan sẽ giúp họ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Đề xuất những giải pháp hỗ trợ tài chính cá nhân dành cho sinh viên

Ngày 20/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có mục tiêu cụ thể là  nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tài chính của người dân. Trong đó, sinh viên – học sinh là đối tượng thụ  hưởng giáo dục, nên đây sẽ là trọng điểm để được đào tạo về hiểu biết tài chính và các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cần thiết.

Để thúc đẩy tài chính cá nhân cho sinh viên, chính phủ có thể xem xét và thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, giáo dục tài chính cá nhân trong chương trình giảng dạy trường học. Chính phủ nên tích cực thúc đẩy việc đưa giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình giảng dạy ở trường học dưới hình thức kỹ năng thiết yếu dành cho sinh viên tất cả các ngành. Điều này giúp học sinh tiếp cận kiến thức về quản lý tiền bạc, lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm và đầu tư từ khi còn trẻ, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Thứ hai, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho sinh viên giỏi và có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như học bổng, khoản vay học phí với lãi suất thấp hoặc miễn lãi, giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình học tập. Các gói tín dụng này có thể được phổ cập trực tiếp đến các trường đại học – cao đẳng – dạy nghề, hỗ trợ vay học phí từ đầu nguồn là nơi thu phí. Bên cạnh ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại cũng là cánh tay nối dài của chính phủ để hỗ trợ sinh viên.

Thứ ba, thúc đẩy các chương trình giáo dục tài chính và công cụ tài chính dành cho sinh viên. Chính phủ có thể hợp tác với các tổ chức tài chính và ngân hàng để tạo ra các chương trình giáo dục tài chính thực tế, nâng cao hiểu biết tài chính cũng như các công cụ tài chính dành cho sinh viên. Các chương trình này có thể bao gồm các buổi hội thảo, khóa học trực tuyến hoặc các tài liệu giáo dục tài chính phổ cập. Các công cụ tài chính có thể là các phần mềm quản lý tài chính, các gói hỗ trợ cho vay tài chính…

Thứ tư, tăng cường thông tin và tư vấn tài chính cho sinh viên. Chính phủ và các định chế tài chính có thể thành lập các trung tâm tư vấn tài chính dành riêng cho sinh viên, với đội ngũ chuyên gia hoạch định tài chính được  đào tạo phù hợp với đối tượng sinh viên, giúp họ có thông tin chính xác và đáng tin cậy về tài chính cá nhân và giải đáp các thắc mắc liên quan đến tài chính, cũng như xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn dành cho các bạn trẻ.

Nhóm tác giả (*):

Ngô ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TP. HCM

Phùng Thị Diệu Hương, Đại học Quốc Gia TP. HCM

Cùng chuyên mục
Tin khác