Tài chính

Tài chính số: Một góc nhìn tổng quan

(VNF) - Công nghệ đang ngày càng tiến xa, khoảng cách giữa môi trường vật lý và môi trường ảo ngày càng bị thu hẹp. Điều này mở ra vô vàn dư địa để công nghệ số ứng dụng vào trong cuộc sống con người, trong đó ngành tài chính dự kiến sẽ tiếp tục trong nhóm dẫn đầu về số hóa.

Tài chính số: Một góc nhìn tổng quan

Lịch sử tài chính số

Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các ngành nhưng xét về mức độ phổ biến, tài chính có lẽ là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất chỉ sau ngành công nghệ. Các ngân hàng, công ty tài chính đã tiến hành dịch chuyển qua kênh số từ lâu trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Hiểu một cách đơn giản, thuật ngữ “tài chính số” (“digital finance”) mô tả sự dịch chuyển của thị trường tài chính và các cấu phần của thị trường tài chính sang thế giới kỹ thuật số, bao gồm cả khu vực tư và khu vực công. Sự dịch chuyển này diễn ra hết sức tự nhiên, bởi nhu cầu giao dịch tài chính là nhu cầu cơ bản của con người. Các tổ chức tài chính, nhất là các ngân hàng, luôn phải tìm cách để thực hiện các giao dịch tài chính nhanh hơn, thuận tiện hơn với chi phí rẻ hơn; thêm vào đó, các tổ chức này có nguồn lực tài chính lớn, vì vậy có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số sớm và quyết liệt hơn đa số các loại hình doanh nghiệp khác.

Công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính được nhen nhóm từ thế kỷ 19 khi máy điện báo được phát minh và hệ thống cáp xuyên Đại Tây Dương được lắp đặt thành công, tạo nền móng cho tiến trình số hóa ngành tài chính trên phạm vi toàn cầu.

Sang đến thế kỷ 20, dấu mốc quan trọng đầu tiên diễn ra vào năm 1918 khi các ngân hàng thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) áp dụng mạng chuyển tiền sử dụng hệ thống mã Morse - gọi là hệ thống Fedwire, thay cho phương thức quyết toán các giao dịch thanh toán liên ngân hàng bằng cách bàn giao tiền mặt hoặc vàng vốn gây tốn kém và rủi ro. Hệ thống Fedwire này sau đó liên tục được nâng cấp theo sự phát triển của công nghệ.

Đến năm 1946, ý tưởng về chiếc thẻ ngân hàng đầu tiên xuất hiện với tên «Charg-It» do John Biggins ở Brooklyn (New York) nghĩ ra. Khi khách hàng mua sắm, hóa đơn sẽ được chuyển đến ngân hàng mà Biggins làm việc. Ngân hàng trả tiền cho người bán và sau đó khách hàng trả tiền cho ngân hàng. Loại thẻ này là chỉ sử dụng trong phạm vi địa phương và dành riêng cho khách của ngân hàng.

Năm 1950, sau một lần đi ăn nhà hàng gặp vấn đề về việc thanh toán, người đàn ông có tên Frank McNamara cùng với đối tác đã lập ra Công ty Diners Club, phát hành loại thẻ chuyên dùng để thanh toán tại các nhà hàng - tiền thân của thẻ tín dụng hiện nay. Chỉ trong năm đầu tiên, đã có hàng chục nhà hàng ở New York chấp nhận loại thẻ này và người dùng thẻ lên đến hàng chục nghìn. Dần dần, thẻ được sử dụng thêm ở cả các điểm du lịch, giải trí. Đến nay, toàn thế giới đã có hàng chục tỷ chiếc thẻ ngân hàng các loại đang được lưu hành.

Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn của việc thanh toán bằng thẻ, American Express và Bank of America cũng gia nhập cuộc đua vào năm 1958 với các sản phẩm thẻ lần lượt có tên American Express và BankAmericard (tiền thân của thẻ Visa ngày nay). Năm 1966, Hiệp hội thẻ Liên ngân hàng Mỹ (tiền thân của Master Card) ra đời, có nhiệm vụ phát triển một hệ thống mạng lưới thanh toán được chấp nhận rộng rãi.

Năm 1967 đánh dấu một bước tiến mới về công nghệ ngân hàng khi chiếc máy rút tiền tự động (ATM) đầu tiên được giới thiệu bởi ngân hàng Barclays (nước Anh).

Năm 1970, hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (CHIPS) được thành lập, thực hiện truyền và giải quyết các lệnh thanh toán bằng USD cho một số ngân hàng lớn. Năm 1973, Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ra đời để giải quyết các vấn đề thanh toán xuyên biên giới.

Trước đó, vào năm 1971, Hiệp hội Giao dịch Chứng khoán Mỹ đã thành lập sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, trở thành sàn chứng khoán điện tử tiên phong trên thế giới. Lúc đầu, NASDAQ chỉ đơn thuần là hệ thống niêm yết giá chứ chưa thực sự kết nối giữa người mua với người bán. Vài năm sau, NASDAQ đưa vào hoạt động hệ thống báo cáo và giao dịch chứng khoán tự động. Như vậy, không chỉ các hoạt động liên quan đến ngân hàng mà chuyển đổi số cũng đã được thực thi có hiệu quả trên thị trường chứng khoán.

Năm 1981 ghi nhận một dấu mốc trong ngành dữ liệu tài chính hiện đại khi Michael Bloomberg thành lập một công ty công nghệ thông tin có tên Innovative Market Solutions (năm 1982 đổi tên thành Bloomberg LP) nhằm cung cấp các công cụ phần mềm tài chính và các giải pháp phân tích, dịch vụ dữ liệu và tin tức cho các công ty tài chính.

Những năm 1980 đánh dấu thời kỳ ngân hàng trực tuyến ra đời ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Tại Mỹ, dịch vụ ngân hàng tại nhà đầu tiên được cung cấp cho người tiêu dùng vào tháng 12/1980 bởi United American Bank, theo đó, ngân hàng này hợp tác với Radio Shack để sản xuất một modem có tên TRS-80, cho phép khách hàng của ngân hàng truy cập thông tin tài khoản của họ một cách an toàn, đồng thời có thể trả phí để sử dụng các dịch vụ như thanh toán hóa đơn, kiểm tra số dư tài khoản, theo dõi đơn xin vay tiền, tình trạng thuế… Năm 1981, 4 ngân hàng lớn ở New York cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng tại nhà, sử dụng hệ thống videotex nhưng lại thất bại về mặt thương mại do sự hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Cũng sử dụng hệ thống videotex nhưng khác với ở Mỹ, dịch vụ ngân hàng tại nhà ra mắt ở Pháp vào năm 1983 bởi ngân hàng CCF (nay là một phần của ngân hàng HSBC) lại thành công do các thiết bị đầu cuối videotex được cung cấp rộng rãi. Ở Anh cũng chứng kiến sự thành công tương tự với dịch vụ Homelink của Hiệp hội Xây dựng Nottingham (NBS).

Sự ra đời và phổ biến của internet đã thúc đẩy làn sóng ra đời ngân hàng trực tuyến mới trên thế giới. Năm 1995, “gã khổng lồ” Wells Fargo đã sử dụng mạng lưới toàn cầu World Wide Web (www) để cung cấp dịch vụ kiểm tra tài khoản trực tuyến. Đến năm 1998, phần lớn các ngân hàng tại Mỹ đã thiết lập các trang web giao dịch trên internet.

Ở Úc, vào tháng 12/1995, ngân hàng Advance bắt đầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho khách hàng. Ở Canada, dịch vụ ngân hàng trực tuyến với có tên mbanx được ngân hàng Montreal giới thiệu vào năm 1996. Tại Nhật Bản, vào tháng 1/1997, ngân hàng Sumitomo ra mắt dịch vụ ngân hàng trực tuyến đầu tiên. Năm 1998, ICICI là ngân hàng đầu tiên tại Ấn Độ giới thiệu dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Nhìn chung, thế kỷ 20 là thời kỳ gạch nối cực kỳ quan trọng giữa tài chính truyền thống và tài chính số, tạo ra nền tảng vững chắc để ngành tài chính tiến đến số hóa toàn diện trong thế kỷ 21.

Thật vậy, mặc dù những năm cuối của thập niên 1990 xuất hiện làn sóng ra đời dịch vụ ngân hàng trực tuyến nhưng mức độ phổ biến còn khá hạn chế. Tuy nhiên, sang đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, đã xuất hiện cuộc đua thu hút tiền gửi tiết kiệm trực tuyến giữa các ngân hàng với lãi suất cạnh tranh (nhờ tiết kiệm được nhiều chi phí so với sử dụng chi nhánh vật lý), khiến lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tăng vọt và hàng loạt ngân hàng đã thành lập riêng các ngân hàng trực tuyến. Từ đây, kỷ nguyên số của ngân hàng đã thực sự tăng tốc và lan tỏa trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Cuộc chơi tài chính số suốt cả trăm năm vốn dĩ thuộc về các tay chơi truyền thống trên thị trường, nhất là các ngân hàng, cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2008 nổ ra. Cuộc khủng hoảng này đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống ngân hàng truyền thống, khiến vị thế những “tay chơi” này bị tổn hại nghiêm trọng. Thêm vào đó, các quy định về an toàn (đặc biệt là an toàn vốn), các nghĩa vụ mà ngân hàng phải tuân thủ cũng được nâng cao sau khủng hoảng, khiến nhiều đối tượng khách hàng trở thành “dưới chuẩn”, rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ được tiếp cận internet từ sớm cũng đã bắt đầu trưởng thành. Tất cả những điều này kích hoạt một làn sóng mới trong ngành tài chính mang tên “Fintech”.

Thực ra, nếu nhìn theo nghĩa rộng thì thuật ngữ “Fintech” (“công nghệ tài chính”) cũng tương đồng với “Digital Finance” (“tài chính số”). Tuy nhiên thực tế hiện nay, Fintech thường được hình dung theo nghĩa hẹp, là thuật ngữ chỉ công nghệ tài chính có gắn với các đơn vị phát triển phi truyền thống. Tiêu biểu như WeChat khởi đầu là một ứng dụng nhắn tin nhưng hiện nay đã trở thành cổng thanh toán hàng đầu tại Trung Quốc; Grab khởi đầu là một ứng dụng gọi xe nhưng hiện nay đã lấn sân sang mảng thanh toán, thậm chí còn bắt tay Singtel ra mắt ngân hàng số GXS; hàng loạt ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, ứng dụng cho vay tiền online, P2P Lending… mọc lên như nấm.

Có thể chia Fintech hiện nay ra làm 5 lĩnh vực chính: (1) Tài chính và đầu tư (2) Vận hành và quản lý rủi ro (3) Thanh toán và cơ sở hạ tầng (4) Dữ liệu và bảo mật (5) Giao diện người dùng. Điểm quan trọng là các đơn vị phi truyền thống sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới bất chấp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý - vấn đề khiến các đơn vị truyền thống dè dặt áp dụng công nghệ. Lời giải cho bài toán này là các đơn vị phi truyền thống bắt tay hợp tác với các đơn vị tài chính truyền thống, điều này đang diễn ra phổ biến trong ngành ngân hàng.

Nhìn về tương lai, công nghệ đang ngày càng tiến xa, khoảng cách giữa môi trường vật lý và môi trường ảo ngày càng bị thu hẹp, ngành tài chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa theo nhu cầu phát triển của người tiêu dùng.

Thêm một góc nhìn

Tiến trình phát triển công nghệ luôn gắn liền với tiến trình thay đổi tâm lý, hành vi của người tiêu dùng. Trong ngành tài chính cũng vậy.

Dưới lăng kính marketing, huyền thoại Philip Kotler, bậc thầy về hành vi người tiêu dùng, từng phân chia tiến trình phát triển của doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng thành 5 giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu (lấy sản phẩm làm trung tâm), hoạt động của doanh nghiệp được tập trung xoay quanh việc phát triển sản phẩm và cung cấp sản phẩm đó ra thị trường. Tuy nhiên, sang đến giai đoạn 2 (lấy khách hàng làm trung tâm), khách hàng không chỉ cần sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu bản thân mà còn cần dịch vụ chăm sóc, phục vụ tốt, cảm thấy được hài lòng. Ở giai đoạn 3 (lấy con người làm trung tâm), không chỉ dừng lại ở việc làm hài lòng khách hàng mà doanh nghiệp còn hướng đến việc không/ít làm tổn hại đến xã hội, tiến tới làm xã hội phát triển bền vững hơn, chẳng hạn như nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động, chú trọng đến môi trường…

Bước đến giai đoạn 4 (dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ), cùng với sự dịch chuyển của khách hàng từ kênh ngoại tuyến (offline) sang kênh trực tuyến (online), doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng theo hướng đa kênh (omnichannel), tức là cả online và offline, đồng thời tự thay đổi để thích nghi với một thế giới đang số hóa. Ở giai đoạn 5 (công nghệ vị nhân sinh), doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ hiện đại để tiếp cận và phục vụ con người.

Quá trình số hóa trong ngành tài chính đã đạt được những bước tiến xa hơn nhiều các ngành khác. Việc sử dụng chatbot đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính để giảm khối lượng công việc của trung tâm dịch vụ khách hàng đã dần trở nên phổ biến và tiếp tục được phát triển để ứng xử thông minh hơn. Việc ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để phác họa chân dung khách hàng và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng đang được triển khai mạnh mẽ. Công nghệ blockchain không chỉ mở ra cả một thế giới tiền kỹ thuật số mà còn được các ngân hàng, tổ chức tài chính áp dụng trong các tác vụ chính thống.

Động lực cho tiến trình số hóa vẫn còn rất lớn khi thế hệ Z ngày càng trưởng thành và dần trở thành lực lượng lao động lớn nhất trong xã hội. Đây được ví như thế hệ “công dân số” đầu tiên do tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, thậm chí ngay trong năm đầu cuộc đời, nên rào cản giữa môi trường vật lý và môi trường số không còn là vấn đề lớn như ở các thế hệ trước. Điều này mở ra vô vàn dư địa để công nghệ số ứng dụng vào trong cuộc sống con người, trong đó ngành tài chính dự kiến sẽ tiếp tục trong nhóm dẫn đầu về số hóa, không chỉ bởi các tổ chức tài chính thường “rủng rỉnh” tiền bạc để đầu tư vào kênh số mà còn bởi nhu cầu tài chính là nhu cầu cơ bản của con người.

Tiềm năng tại Việt Nam

Trong báo cáo “Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, mặc dù xuất phát điểm còn thấp. Theo WB, khả năng kết nối internet tốc độ cao với giá cả phải chăng của người dân, doanh nghiệp và chính phủ là xương sống của bất kỳ nền kinh tế số nào.

Trên thực tế, Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc mở rộng kết nối internet từ mức gần như bằng 0 cuối thập niên 1990 đến bao phủ được 73% dân số như hiện nay. Hầu hết mọi hộ gia đình ở Việt Nam, bất kể thu nhập và địa bàn, đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động. Internet đã trở nên tương đối phổ biến với các hộ gia đình, bao gồm cả khoảng một nửa số hộ trong hai nhóm nghèo nhất. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, cứ 100 người trưởng thành thì 68 người có tài khoản ngân hàng.

Trong ngành tài chính, một báo cáo của Economica Vietnam nhận định sự chấp nhận văn hóa mới về ngân hàng số và Fintech ở Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là đối với những người trẻ và am hiểu về công nghệ. Một bộ phận lớn dân số Việt Nam thường xuyên mở tài khoản ngân hàng và giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại, điều đó dẫn tới việc ngân hàng và bảo hiểm là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số.

Cũng theo Economica Việt Nam, rất nhiều công đoạn ngành bảo hiểm và ngân hàng truyền thống có thể được tối ưu và tự động hóa bằng việc tận dụng công nghệ, bao gồm: (1) Tiếp cận khách hàng mới, mở tài khoản ngân hàng và hợp đồng bảo hiểm thông qua thị trường di động (2) Tự động hóa nhiều tác vụ như Định danh điện tử (eKYC), Chống rửa tiền (AML) và xác minh ID bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) và AI (3) Nhận thông tin chi tiết ẩn thông qua phân tích dữ liệu nâng cao (4) Cải thiện việc kiểm tra gian lận bằng máy học (machine learning).

Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm khi ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có đặt ra nhiệm vụ riêng cho ngành tài chính. Cụ thể là xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.

Cùng với đó, chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty Fintech và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng.

Ngoài ra, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.

Tin mới lên