Tài chính

Tài chính tuần qua: Gelex gom thêm 22,5 triệu cổ phiếu VGC, Thaiholdings bán dự án 400 tỷ

(VNF) - Gelex đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu VGC; Thaiholdings bán tiếp dự án 400 tỷ đồng; FPT Retail đóng cửa 60 chi nhánh ở các tỉnh, thành... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: Gelex gom thêm 22,5 triệu cổ phiếu VGC, Thaiholdings bán dự án 400 tỷ

Tài chính tuần qua: Gelex gom thêm 22,5 triệu cổ phiếu VGC, Thaiholdings bán tiếp dự án 400 tỷ đồng

Gelex gom thêm cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu vượt mức chi phối VGC

HĐQT Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) vừa thông qua phương án mua thêm cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối.

Song song với đó, phía Viglacera cũng thông báo về việc Gelex đã đăng ký mua vào 22,5 triệu cổ phiếu VGC trong thời gian từ ngày 8/3/2021 đến ngày 6/4/2021, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn.

Tạm tính theo thị giá của VGC (36.000 đồng/cổ phiếu), ước tính Gelex sẽ phải chi khoảng 810 tỷ đồng để sở hữu chi phối tại Viglacera.

Nếu gom thành công thêm 22,5 triệu cổ phiếu VGC, Gelex sẽ nắm giữ trực tiếp hơn 141 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu là 31,65%. Cùng với số cổ phiếu VGC mà Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex nắm giữ, Gelex tổng cộng sẽ sở hữu 51,08% vốn Viglacera sau giao dịch.(Xem thêm)

Sau dự án xi măng, Thaiholdings muốn bán dự án phân bón, dự thu tối thiểu 400 tỷ đồng

HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings (HNX: THD) vừa thông qua phương án chuyển nhượng dự án sản xuất phân bón DAP số 3 tỉnh Lào Cai và quyền liên quan đến các mỏ của dự án thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaigroup.

Giá chuyển nhượng dự án sản xuất phân bón DAP số 3 tỉnh Lào Cai không thấp hơn 400 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất thương vụ trong quý III/2021.

Theo Công văn số 5310/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 13/8/2008, nhà máy sản xuất phân bón này có công suất 300.000 tấn/năm, bao gồm cả nhà máy tuyển quặng apatit loại II và loại IV công suất 700.000 tấn/năm.

Các thông tin khác của dự án này như tổng mức đầu tư, tình trạng triển khai đều không được công bố.

Được biết, mới đây, ban lãnh đạo Thaiholdings cũng thông qua chủ trương chuyển nhượng dự án nhà máy xi măng Minh Tâm trong quý I/2021. Mức giá chuyển nhượng được đưa ra là không thấp hơn 650 tỷ đồng.(Xem thêm)

FPT Retail đóng cửa hàng chục chi nhánh ở các tỉnh, thành

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) vừa thông qua kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021, kế hoạch cơ cấu lại các chi nhánh và một số nội dung đáng chú ý khác.

Theo đó, FPT Retail dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021 vào ngày 29/4, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự là ngày 31/3.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng thông qua kế hoạch cơ cấu lại các chi nhánh. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ giữ nguyên chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng, dừng hoạt động đối với các chi nhánh tại các tỉnh, thành còn lại, doanh nghiệp công bố dự kiến có 60 chi nhánh sẽ dừng hoạt động trong thời gian tới.

Lý giải về việc dừng hoạt động tới 60 chi nhánh, FPT Retail cho biết, trước đó căn cứ theo quy định của luật hiện hành, các địa điểm kinh doanh chỉ được mở tại nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh, vì vậy FPT Retail đã phải thành lập các chi nhánh ở tỉnh để gia tăng số lượng cửa hàng trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật mới sửa đổi đã cho phép doanh nghiệp được mở địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Chính vì vậy, việc mở các chi nhánh tại tỉnh, thành đã không cần thiết, cho nên ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại hoạt động theo hướng giảm bớt chi nhánh vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.(Xem thêm)

Cổ phiếu PLX được cấp margin trở lại

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa đưa cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Trước đó, hồi tháng 9/2020, cổ phiếu PLX đã bị "cắt margin" do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2020 là số âm. Tuy nhiên đến cuối năm, doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng thua lỗ này.

Ngoài việc được cấp margin trở lại, cổ phiếu PLX đang được kì vọng sẽ tăng cao hơn nữa nhờ những dự báo lạc quan trong năm 2021.

Nhóm chuyên gia của SSI Research nhận định, cuối năm vừa qua, PLX ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước, đặc biệt từ kênh bán lẻ Coco (trạm cây xăng sở hữu) khi doanh số cải thiện rất nhiều so với kênh bán buôn.

SSI Research cho biết, ở những tháng cuối năm 2020, sản lượng tiêu thụ trong nước của PLX về cơ bản đã bắt kịp sản lượng cùng kỳ, đạt mức 2,4 triệu m3/tấn. Đáng chú ý, mảng bán lẻ còn tăng 3,5% lên mức 1,5 triệu m3/tấn nhờ việc mở mới 86 cửa hàng Coco trong năm, tương đương 3,1% số cửa hàng vào cuối năm 2019.

Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước giai đoạn này cũng tăng gần 10%, qua đó giúp doanh nghiệp hưởng lợi không nhỏ từ lượng hàng tồn kho giá thấp.

Dựa vào đà tăng này, PLX dù chưa phê duyệt kế hoạch kinh doanh chính thức cho năm 2021, tuy nhiên kế hoạch sơ bộ cho sản lượng tiêu thụ xăng dầu được đặt ở mức tăng tối thiểu 3%, trong đó kênh bán lẻ dự kiến tăng ít nhất 3,5 - 4% so với năm trước.

Từ đó, nhóm chuyên gia này dự đoán mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn sẽ nằm trong khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 150 - 180% so với cùng kỳ.(Xem thêm)

Tin mới lên