Tài chính tuần qua: Gojek sáp nhập Tokopedia, SCIC dự kiến thoái vốn tại 88 doanh nghiệp

Tân Mai - 22/05/2021 11:48 (GMT+7)

(VNF) - Gojek và Tokopedia tuyên bố sáp nhập; SCIC dự kiến thoái vốn nhà nước tại 88 doanh nghiệp; HNX và HoSE lãi lớn trong năm 2020; Vinamilk sắp chi 2.300 tỷ đồng trả cổ tức... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

VNF
Tài chính tuần qua: Gojek sáp nhập Tokopedia, SCIC dự kiến thoái vốn tại 88 doanh nghiệp

Thương vụ với Grab đổ bể, Gojek chính thức sáp nhập với Tokopedia

Ngày 17/5, Gojek và Tokopedia (Indonesia) tuyên bố sáp nhập, tạo ra một trong những công ty công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, phục vụ nhiều dịch vụ khác nhau từ gọi xe, thanh toán số tới thương mại điện tử.

Được biết, Gojek và Tokopedia có chung 2 cổ đông lớn là Google và Temasek. Thông qua sự hỗ trợ của 2 cổ đông này, Gojek và Tokopedia sẽ thành lập một liên doanh có tên Go To Group. Tuy nhiên trước mắt, 2 startup vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ của mình dưới tên thương hiệu hiện tại.

Theo hãng tin Reuters (Anh), thương vụ hợp nhất này có giá trị khoảng 18 tỷ USD. Trong đó, Gojek nắm 58% cổ phần tại Go To Group, phần còn lại thuộc về Tokopedia.(Xem thêm)

Thoái vốn nhà nước tại 88 doanh nghiệp, gồm Sabeco, FPT, Vinatex... trong năm 2021

SCIC vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn nhà nước trong năm 2021. Trong đó, nổi bật là các "ông lớn" nghìn tỷ như Sabeco, FPT, Tổng công ty Sông Đà...

Cụ thể, theo Quyết định số 64/QĐ-ĐTKDV ngày 31/3/2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), những cái tên đáng chú ý trong số 88 doanh nghiệp nêu trên là Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) với vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) với vốn điều lệ hơn 7.760 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%);

Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) với vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99,79%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UPCoM: VGT) với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53,49%)...(Xem thêm)

HNX, HoSE lãi lớn sau 'siêu sóng' đầu tư chứng khoán

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.

Đây là năm rất đặc biệt khi chứng kiến "siêu sóng" đầu tư chứng khoán đến mức gây nghẽn hệ thống giao dịch trên sàn HoSE.

Theo báo cáo, năm 2020, doanh thu thuần của HNX tăng 32% so với năm 2019, lên 732 tỷ đồng. HoSE có vẻ hưởng lợi nhiều hơn từ "siêu sóng" khi doanh thu thuần tăng tới 39% bất chấp vướng phải vấn đề nghẽn lệnh, lên mức 993 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán, chiếm khoảng 87-88% doanh thu thuần ở cả 2 sàn.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của HNX tăng 37%, trong khi HoSE tăng 44%. Biên lợi nhuận gộp của HoSE cao hơn đáng kể HNX, 93% so với 87%.

Sau khi cân đối doanh thu tài chính cũng như các loại chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HNX đạt mức tăng trưởng 44%, xấp xỉ mức tăng 46% của HoSE. Lý do chính là trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp của HNX chỉ tăng 11%, thấp hơn nhiều mức tăng lên đến 30% của HoSE.(Xem thêm)

Vinamilk chốt quyền chia cổ tức 11% bằng tiền mặt

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) thông báo, ngày 8/6 tới, doanh nghiệp sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức còn lại của năm 2020.

Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 11%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.100 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 30/6/2021.

Với khối lượng gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ phải chi khoảng 2.300 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.

Trước đó, Vinamilk đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức năm 2020, trong đó đợt 1 đã trả cổ tức 20% bằng tiền mặt vào giữa tháng 10/2020 và đợt 2 vừa được thực hiện vào cuối tháng 2/2021 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Tổng mức chia cổ tức năm 2020 của Vinamilk là 41% bằng tiền mặt.(Xem thêm)

TTC Group muốn thoái toàn bộ vốn tại Tín Nghĩa

Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) vừa đăng ký bán toàn bộ 54,53 triệu cổ phiếu TID của Tổng công ty Tín Nghĩa (UPCoM: TID) trong thời gian từ ngày 21/5 đến ngày 18/6.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh / thỏa thuận, nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính doanh nghiệp.

Nếu bán thành công số cổ phiếu TID đã đăng ký, TTC Group có thể thu về hơn 1.100 tỷ đồng, hạ tỷ lệ sở hữu từ 27,26% về 0%. Người đại diện cho phần vốn của TTC Group tại Tín Nghĩa là ông Nguyễn Thành Đạt, hiện đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của Tín Nghĩa.

Được biết, trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tín Nghĩa vào năm 2016, TTC Group đã mua vào 35% vốn với số tiền bỏ ra tối thiểu là 500 tỷ đồng.(Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác