Tài chính tuần qua: HAGL Agrico về tay Thaco, Hòa Phát muốn chuyển nhượng loạt công ty con

Tân Mai - 09/01/2021 11:06 (GMT+7)

(VNF) - HAGL Agrico về tay Thaco, Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng 10 công ty con, dừng phiên đấu giá 36% vốn Vocarimex do SCIC sở hữu... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

VNF
Tài chính tuần qua: HAGL Agrico về tay Thaco, Hòa Phát muốn chuyển nhượng loạt công ty con

HAGL Agrico đổi chủ

Sau hai năm hợp tác chiến lược với Thaco, bầu Đức quyết định chuyển giao quyền kiểm soát HAGL Agrico cho phía tỷ phú Trần Bá Dương. Nhóm cổ đông Thaco sẽ sở hữu 63% cổ phần, qua đó trở thành công ty mẹ của HAGL Agrico. Ông Dương cũng làm chủ tịch công ty còn bầu Đức chuyển sang giữ chức phó chủ tịch HĐQT.

“Tôi đẻ công ty ra, nhưng phải giải phóng nó để mạnh giỏi chứ không cứ èo uột mãi. Các bạn là cổ đông cũng phải ủng hộ. Tôi muốn công ty phải tốt, tốt nhất chứ không chỉ tốt vừa vừa”, bầu Đức chia sẻ và nói thêm: “Trước khi hợp tác với anh Dương, HAGL Agrico là cục nợ, có nhiều tài sản lớn nhưng không sinh lời".

Bầu Đức cũng nhiều lần nhấn mạnh tương lai của HAGL Agrico rất sáng sau khi đổi chủ vì có thể trả hết nợ ngân hàng.

Sau khi phát hành thêm 741 triệu cổ phiếu cho Thaco để hoán đổi nợ và tăng vốn điều lệ thêm hơn 7.000 tỷ và đồng thời bán 4 công ty con cho phía tỷ phú Trần Bá Dương với giá hơn 9.000 tỷ, bầu Đức cho biết HAGL Agrico cơ bản xóa sạch nợ nần và thậm chí còn tiền mặt để đầu tư.

“4-5 năm đại hội, năm nào cũng nợ. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, giải quyết nợ là ưu tiên số một, chuyện lời lỗ tính sau. Còn nợ lâu dài, công ty mãi không tốt được. Trước kia làm ra được đồng nào, phải trả lãi đồng nấy. Muốn phát triển được HAGL Agrico, phải không còn nợ. Từ năm nay trở đi, HAGL Agrico không còn khái niệm thiếu tiền”, bầu Đức khẳng định.

Ông nói thêm HAGL Agirco có diện tích đất hơn 35.000 ha, không còn nợ ngân hàng và áp lực trả lãi vay, có tiền mặt để đầu tư, có thị trường, có sẵn diện tích trái cây đang trồng chỉ đợi thu hoạch nên khả năng cao sẽ phát triển tốt, thành công nhanh dưới sự dẫn dắt của ông Trần Bá Dương thời gian tới.(Xem thêm)

Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng 10 công ty con

HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông qua 4 nghị quyết chuyển nhượng 10 công ty con theo chiến lược tái cơ cấu tổ chức hoạt động.

Trong đó, HPG dự kiến chuyển nhượng toàn bộ hơn 3,9 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, tương đương 99,6% vốn điều lệ.

Cùng với đó, theo Nghị quyết số 2/NQHP-2021, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát.

Nghị quyết số 3/NQHP-2021 thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Hòa Phát tại 2 công ty con là Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát và Công ty TNHH Tôn Hòa Phát.

Còn Nghị quyết số 4/NQHP-2021 của HĐQT Hòa Phát thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn này nắm giữ tại 5 đơn vị là Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hòa Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản An Thông.

Theo chiến lược tái cơ cấu tổ chức hoạt động được đưa ra trước đó, Tập đoàn Hòa Phát sẽ thành lập 4 tổng công ty trực thuộc bao gồm: Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp và Tổng công ty Phát triển Bất động sản.

Các tổng công ty này sẽ quản lý trực tiếp các công ty con của Hòa Phát. Như vậy, ngoại trừ Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát thì nhiều khả năng đối tượng nhận chuyển nhượng 9 công ty con còn lại nêu trên chính là các tổng công ty trực thuộc của Tập đoàn Hòa Phát.(Xem thêm)

Dừng phiên đấu giá 36% vốn Vocarimex do SCIC sở hữu

Sau khi lùi thời gian, phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu chính thức được công bố dừng tổ chức.

Trước đó, phiên thoái vốn nhà nước này được dời từ ngày 22/12/2020 sang ngày 7/1/2021 do vướng mắc về quy định. Cụ thể là Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, ban hành ngày 30/11/2020.

Tuy nhiên, đến chiều 6/1/2021, các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc tiếp tục triển khai bán cổ phần của SCIC tại Vocarimex, vì vậy, SCIC đã đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) không tổ chức buổi đấu giá 36% vốn Vocarimex.

Các nhà đầu tư đã đăng ký tham gia buổi đấu giá sẽ được nhận lại toàn bộ tiền đặt cọc (không được hưởng lãi phát sinh).(Xem thêm)

Vietnam Airlines được Chính phủ cho vay 4.000 tỷ, lãi suất 0%

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 194 về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12/2021.

Ngài ra, Chính phủ cũng chấp thuận cho Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đồng thời giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.

Cùng chuyên mục
Tin khác