M&A

Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng loạt công ty con, cổ đông ngoại giao dịch hàng triệu cổ phiếu

(VNF) - HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông qua 4 nghị quyết chuyển nhượng 10 công ty con theo chiến lược tái cơ cấu tổ chức hoạt động.

Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng loạt công ty con, cổ đông ngoại giao dịch hàng triệu cổ phiếu

Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng loạt công ty con

Như đã thông báo trước đó về việc thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021, HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ hơn 3,9 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, tương đương 99,6% vốn điều lệ.

Cùng với đó, theo Nghị quyết số 2/NQHP-2021, Tập đoàn Hòa Phát sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát.

Nghị quyết số 3/NQHP-2021 thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Hòa Phát tại 2 công ty con là Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát và Công ty TNHH Tôn Hòa Phát.

Còn Nghị quyết số 4/NQHP-2021 của HĐQT Hòa Phát thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn này nắm giữ tại 5 đơn vị là Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hòa Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản An Thông.

Theo chiến lược tái cơ cấu tổ chức hoạt động, Tập đoàn Hòa Phát sẽ thành lập 4 tổng công ty trực thuộc bao gồm: Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp và Tổng công ty Phát triển Bất động sản.

Mô hình hoạt động mới của Tập đoàn Hòa Phát từ năm 2021 (Nguồn: Tập đoàn Hòa Phát)

Các tổng công ty này sẽ quản lý trực tiếp các công ty con của Hòa Phát. Như vậy, ngoại trừ Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát thì nhiều khả năng đối tượng nhận chuyển nhượng 9 công ty con còn lại nêu trên chính là các tổng công ty trực thuộc của Tập đoàn Hòa Phát.

Bên cạnh việc tái cơ cấu tổ chức hoạt động, trên thị trường chứng khoán, các cổ đông ngoại của Hòa Phát đang nhộn nhịp mua – bán hàng triệu cổ phiếu.

Cụ thể, quỹ ngoại PENM III Germany GmbH & Co. KG sau khi thoái vốn bất thành tại Hòa Phát vào tháng 12 vừa qua đã tiếp tục đăng ký bán toàn bộ hơn 66,5 triệu cổ phiếu HPG trong thời gian từ ngày 7/1/2021 đến ngày 5/2/2021.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ PENM III tại Hòa Phát sẽ giảm về 0%. Trước đó, quỹ này chỉ bán được 10 triệu trong số 76,5 triệu cổ phiếu HPG đăng ký bán. Phía Hòa Phát cho biết PENM III phải đăng ký bán cổ phiếu HPG là vì quỹ này đã hoạt động được 10 năm và sắp đến thời hạn kết thúc quỹ vào năm 2021.

Một cổ đông ngoại khác là nhóm quỹ Dragon Capital tiếp tục có động thái “lướt sóng” khi bán 500.000 cổ phiếu HPG ở phiên 4/1/2021 và ngay lập tức mua vào 1 triệu cổ phiếu HPG ở phiên 5/1/2021.

Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng từng có động thái tương tự khi mua vào 500.000 cổ phiếu HPG ở phiên 14/12/2020 và bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HPG ở phiên ngay sau đó.

Về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát lần lượt đạt 64.340 tỷ đồng và 8.845 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng mức 40,8% và 56,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Với kết quả này, doanh nghiệp này đã hoàn thành 74% kế hoạch về doanh thu và 98% kế hoạch về lợi nhuận.

Theo thông tin mới nhất từ Hòa Phát, tập đoàn này đạt sản lượng phôi thép và thép xây dựng trên 5 triệu tấn trong năm 2020. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấn. Thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát cũng đạt gần 700.000 tấn, riêng tháng 12 là 171.000 tấn.

Cổ phiếu HPG đóng cửa phiên 7/1/2021 ở mức giá 42.800 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 140.000 tỷ đồng.

Tin mới lên