Hòa Phát thành lập 4 tổng công ty, thoái vốn ngành nội thất trong năm 2021

Hải Đường - 10/12/2020 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa Phát (HoSE: HPG), HĐQT tập đoàn quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức với các tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động.

VNF
Tập đoàn Hòa Phát sẽ thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021.

Cụ thể, Hòa Phát sẽ thành lập 4 tổng công ty trực thuộc tập đoàn bao gồm: Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp và Tổng công ty Phát triển Bất động sản.

Trong đó, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã được thành lập từ năm 2016, bao gồm 5 công ty thành viên là Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty CP Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát, Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát.

Được biết, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho Tập đoàn Hòa Phát, chỉ sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép.

Mô hình hoạt động mới của Tập đoàn Hòa Phát từ năm 2021 (Nguồn: Tập đoàn Hòa Phát)

Còn về Tổng công ty Phát triển Bất động sản Hòa Phát, tổng công ty được Tập đoàn Hóa Phát quyết định thành lập vào ngày 8/12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của Hòa Phát là 99,9%, tương đương 1.998 tỷ đồng. Theo mô hình hoạt động mới của tập đoàn, 2 đơn vị nhỏ hơn của Tổng công ty Phát triển Bất động sản là Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. 

Trong đó, Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát đánh dấu việc Hòa Phát lần đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản vào năm 2001.

Phía Hòa Phát cho biết tập đoàn này đang tiến hành làm hồ sơ pháp lý để hoàn tất thủ tục thành lập cho 2 đơn vị còn lại là Tổng công ty Gang thép và Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu trong tháng 12/2020.

Cùng với việc thành lập 4 tổng công ty, Tập đoàn Hòa Phát cũng tiết lộ về việc thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Nguyên nhân tập đoàn đưa ra là do tính chất thủ công, kinh tế gia đình của ngành nội thất, cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp với mô hình sản xuất của tập đoàn.

Trong một diễn biến khác, mới đây, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đã hoàn tất giao dịch mua thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HPG từ ông Doãn Gia Cường, phó chủ tịch tập đoàn.

Sau giao dịch, ông Trần Đình Long gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát lên 26,08%. Ở chiều ngược lại thì ông Doãn Gia Cường hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,25%.

Cũng trong chiều bán ra, quỹ PENM III Germany GmbH & Co. KG (Đức) nhanh tay chốt lời khi cổ phiếu HPG lập đỉnh.

Theo đó, quỹ PENM đăng ký bán toàn bộ hơn 76,5 triệu cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 2,31% trong thời gian từ ngày 27/11/2020 đến ngày 25/12/2020. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát lần lượt đạt 64.340 tỷ đồng và 8.845 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng mức 40,8% và 56,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Với kết quả này, Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn thành 74% kế hoạch về doanh thu và 98% kế hoạch về lợi nhuận.

Cổ phiếu HPG hiện đang giao dịch ở mức giá 37.600 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 10/12/2020). Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 124.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác