Tài chính tuần qua: Thép Nam Kim thâu tóm doanh nghiệp giấy, Vingroup muốn rút khỏi chuỗi VinMart

Tân Mai - 04/04/2021 10:52 (GMT+7)

(VNF) - Thép Nam Kim muốn mua doanh nghiệp FDI ngành giấy; Vingroup muốn rút lui khỏi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+; CIPM sáp nhập vào VEC... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

VNF
Tài chính tuần qua: Thép Nam Kim thâu tóm doanh nghiệp FDI giấy, Vingroup rút khỏi chuỗi VinMart

Thép Nam Kim muốn mua doanh nghiệp FDI ngành giấy

HĐQT Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam. Phía chuyển nhượng cho NKG là Dae Myung Chemical Co. Ltd, một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.

Được biết, Dae Myung Paper Việt Nam được thành lập cuối tháng 4/2012. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bột giấy, giấy và bìa. Trụ sở chính của công ty nằm ở lô A-5F-CN khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, tỉnh Bình Dương.

Hiện nay, Dae Myung Paper Việt Nam có vốn điều lệ 103,34 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,7 triệu USD và là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là giai đoạn 2017-2019, Dae Myung Paper Việt Nam không ghi nhận doanh thu. Dẫu vậy, do khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp vẫn gánh lỗ sau thuế lần lượt 4,5 tỷ đồng, 9,7 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng (năm 2017-2019).

Đặc biệt trong năm 2019, trong bối cảnh vốn chủ sở hữu bị bào mòn xuống còn 5,6 tỷ đồng (vốn góp đạt 63,9 tỷ đồng), cổ đông Dae Myung Paper Việt Nam đã phải rót thêm một khoản 1,7 triệu USD để tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển và lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã lên đến hàng chục tỷ đồng vào cuối năm.(Xem thêm)

Vingroup muốn rút hoàn toàn khỏi chuỗi VinMart, VinMart+

Vingroup đang muốn rút lui hoàn toàn khỏi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ bằng việc bán toàn bộ cổ phần sở hữu còn lại trong Công ty The CrownX - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ này.

Cụ thể, tập đoàn này cho biết trong năm 2020 vừa qua đã thực hiện chuyển nhượng hơn 2 triệu quyền chọn nhận cổ phần tại Công ty CP The CrownX cho một số đối tác (liên quan Masan).

Sau đó, Vingroup đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ quyền chọn nhận cổ phần còn lại sang thành cổ phần sở hữu tại The CrownX - công ty mới được thành lập để quản lý vốn tại Công ty VCM (chủ sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+) và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings.

Sau quá trình chuyển đổi quyền chọn thành cổ phần, Vingroup đã bán 4,8 triệu cổ phần của công ty mới thành lập này cho một đối tác doanh nghiệp khác (Masan).

Đặc biệt, báo cáo tài chính của Vingroup tiết lộ, tại ngày 31/12/2020, tập đoàn đã ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần còn lại trong Công ty The CrownX cho một đối tác doanh nghiệp khác.

Trong đó, giá gốc của số cổ phần còn lại Vingroup nắm giữ tại The CrownX được xác định là 5.538 tỷ đồng, tuy nhiên tập đoàn đang trong quá trình xác định lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư.

Như vậy, nếu thương vụ chuyển nhượng này thành công, Vingroup sẽ chính thức rút lui hoàn toàn khỏi The CrownX, qua đó không còn lợi ích liên quan tới chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+.(Xem thêm)

Chính thức sáp nhập CIPM vào VEC

Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước vừa thực hiện Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Sau Lễ ký kết hợp đồng sáp nhập, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất thủ tục sáp nhập đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành, đảm bảo hoàn thành công việc sáp nhập trước ngày 30/6/2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo duy trì hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Hợp đồng sáp nhập có hiệu lực từ khi có đầy đủ chữ ký của các Bên cho đến khi các Bên hoàn tất mọi quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng này.(Xem thêm)

Hoa Sen muốn rút hết vốn khỏi chủ đầu tư dự án KCN Du Long ở Ninh Thuận

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long.

Phía Hoa Sen cho biết mục tiêu của việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Đầu tư Hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long nhằm thu hồi vốn đầu tư của tập đoàn cho phù hợp với chiến lược đã được điều chỉnh và đảm bảo tốt nhất lợi ích của tập đoàn.

Giá trị chuyển nhượng sẽ không thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã đầu tư vào đơn vị này.

Được biết, tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của Công ty Đầu tư Hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long là hơn 47 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hoa Sen nắm giữ 95% vốn.

Công ty này là chủ đầu tư của dự án KCN Du Long ở Ninh Thuận. Dự án này được thực hiện từ tháng 5/2008 do Công ty TNHH MTV Đầu tư Quốc tế Hoa Thìn Long Đức Phong làm chủ đầu tư, tuy nhiên do thiếu năng lực triển khai nên sau gần 10 năm, dự án đã được chuyển nhượng cho công ty con của Tập đoàn Hoa Sen vào năm 2017.(Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác