Tài khoản ngân hàng eKYC không được giao dịch quá 100 triệu/tháng

Quang Thắng - 08/12/2020 08:23 (GMT+7)

Các ngân hàng được quyết định hạn mức giao dịch qua tài khoản mở bằng eKYC, nhưng tổng hạn mức ghi nợ qua các tài khoản không vượt được quá 100 triệu/tháng/khách.

VNF
Tài khoản thanh toán của cá nhân mở bằng phương thức điện tử (eKYC) sẽ có hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu/tháng/khách trừ một số trường hợp. Ảnh: TPB.

Đây là một trong những nội dung quan trọng về việc mở và giao dịch tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo thông tư mới, NHNN đưa ra điều kiện với các ngân hàng muốn thực hiện mở tài khoản thanh toán cho cá nhân bằng phương thức eKYC phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản phù hợp với quy định mới và pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng.

Các ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản nhưng chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh.

Cùng với đó, ngân hàng cũng phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu như có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói…) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân.

Ngân hàng áp dụng mở tài khoản cũng phải có biện pháp kỹ thuật để xác nhận khách hàng đã được định danh đồng ý với các nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản.

Xây dựng quy trình kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản.

Trường hợp phát hiện rủi ro, hoặc có dấu hiệu bất thường giữa các thông tin nhận biết khách hàng phải từ chối hoặc dừng giao dịch, tạm khóa tài khoản thanh toán và tiến hành xác minh lại thông tin khách hàng.

Các thông tin liên quan khách hàng mở tài khoản cũng phải được lưu trữ chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình mở, sử dụng tài khoản và được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng.

Một trong những quy định quan trọng được NHNN đưa ra chính là hạn mức giao dịch với các tài khoản thanh toán mở bằng phương thức eKYC. Trong đó, NHNN cho phép các ngân hàng tự quyết định hạn mức giao dịch qua tài khoản mở bằng eKYC nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngân hàng cũng được áp dụng hạn mức giao dịch cao hơn.

Cụ thể, khi ngân hàng áp dụng cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biểt khách hàng trong quá trình mở tài khoản đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin như gặp mặt trực tiếp.

Giải pháp này cũng phải đáp ứng tối thiểu việc đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên lục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu trong quá trình mở tài khoản.

Trường hợp thứ 2 là khi ngân hàng áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiểu đặc điểm sinh trắc học của khách với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Một số trường hợp khác tài khoản thanh toán eKYC cũng được giao dịch trên 100 triệu/tháng như ngân hàng xác minh thông tin khách sau khi mở tìa khoản thông qua gặp mặt trực tiếp; khách thực hiện các giao dịch chuyển tiền để gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng phương thức điện tử cho chính chủ tài khoản tại ngân hàng…

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ 5/3/2021.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác