Công nghệ

Tài sản ảo: Không thể cấm và không thể mãi né tránh

(VNF) - Theo ông ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), tài sản ảo (VA) là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới và Việt Nam nên nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP (các tổ chức) để phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Nhận định này được ông Trung đưa ra trong Hội thảo khoa học góp ý xây dựng Khung pháp lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức.

Ông nhấn mạnh: “Việc cấm VA là không khả thi. Tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch VBA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám vào năm 2025.

Hội thảo khoa học góp ý xây dựng Khung pháp lý tài sản ảo.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, từ kế hoạch tới thực tiễn là một quãng đường dài và cũng có rất nhiều thách thức, bởi việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh VA cũng đều sẽ đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng khác nhau.

Liên quan đến việc ban hành các quy định quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, khẳng định: “Chúng ta có muốn thờ ơ, có muốn né tránh cũng không được. Điều cần làm bây giờ là đưa ra sự lựa chọn mang tính chiến lược, mang lợi ích cho quốc gia cũng như hạn chế được tác động tiêu cực của quá trình phát triển này”.

Từ kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý cho VA và VASP, cần nêu bật được vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của nó nhưng đồng thời cũng phải chỉ ra được những mặt trái, những thách thức mà các quốc gia khác đã phải đối mặt và xử lý các vấn đề đó như thế nào.

“Những điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thêm thông tin, bài học thực tiễn, từ đó góp phần đưa ra chính sách giúp cho Việt Nam từng bước vận dụng các tri thức của nhân loại vào thị trường trong nước”, ông nói.

Ông Nguyễn Đoan Hùng cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành quy định quản lý VA, VASP phù hợp.

Trong khi đó, đại diện Remitano, một đơn vị VASP đã hiện diện hơn 10 năm cho biết, đơn vị này mong muốn khung pháp lý tài sản ảo tại Việt Nam có thể sớm được hoàn thiện theo xu hướng chung của thế giới.

“Việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực”, đơn vị này bày tỏ quan điểm.

Trước đó, tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trong tháng 5/2025.

Đại diện Bộ Tài chính mới đây cũng cho biết đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo, tài sản ảo.

Theo đại diện Bộ Tài chính, tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực mới tại Việt Nam và tương đối nhạy cảm nên phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng. Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo.

Tin mới lên