Tân binh UPCoM liên tục ‘tím trần’, từ may mặc sang BĐS và thực phẩm chức năng

Thu An - 27/09/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Cổ phiếu VDG của Vạn Đạt Group đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, kể từ phiên chào sàn UPCoM 26/9 vừa qua. Vốn hoá tăng thêm 60%, từ 55 tỷ đồng lên hơn 88 tỷ đồng.

Vừa chính thức giao dịch tại UPCoM vào ngày 26/9 vừa qua, cổ phiếu VDG của Công ty Cổ phần Vạn Đạt Group (UPCoM: VDG) đã nhanh chóng ghi nhận cho mình 2 phiên tăng trần liên tiếp.

Ở phiên chào sàn chứng khoán, VDG tăng kịch biên độ 40% từ mức tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu lên 15.400 đồng/cổ phiếu. Kết phiên chiều, VDG dư mua 105.700 cổ phiếu và trắng bên bán.

Sang phiên hôm nay (27/9), VDG tiếp tục tăng kịch trần với biên độ gần 15% lên mức 17.700 đồng/cổ phiếu và tiếp tục dư mua 76.600 cổ phiếu. Với 2 phiên tăng trần, vốn hoá của Vạn Đạt Group đã tăng từ mức định giá 55 tỷ đồng lên hơn 88 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 60%.

Được biết, Vạn Đạt Group đưa lên sàn 5 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 3 triệu đơn vị (61%) đang được nắm giữ bởi ông Trần Văn Anh (Chủ tịch HĐQT) và hơn 1,3 triệu đơn vị (27,3%) được nắm giữ bởi ông Lai A Chánh. Như vậy, chỉ còn 585.000 cổ phiếu (được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác.

Tiền thân là một doanh nghiệp bất động sản, Vạn Đạt Group với tên ban đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kiến trúc Vạn Đạt, được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập là ông Trần Văn Anh, ông Chiêng Quốc Anh và ông Lê Viết Minh Pháp. Vốn góp ban đầu là 1 tỷ đồng. Năm 2021, doanh nghiệp tăng vốn lên 50 tỷ đồng và duy trì đến nay.

Giai đoạn 2019-2020, doanh nghiệp dự định cùng góp vốn liên doanh để phát triển dự án bất động sản vừa và nhỏ, tuy nhiên tình hình phát triển dự án và xin giấy phép gặp khó khăn, do đó Vạn Đạt Group chỉ ghi nhận doanh thu đến từ hoạt động buôn bán vật liệu xây dựng.

Đến năm 2021, doanh nghiệp đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ vải, len, sợi, chỉ và hàng dệt khác trong các cửa hàng chuyên doanh, đồng thời đổi tên thành Vạn Đạt Group. Lĩnh vực này đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vạn Đạt Group chuyển hướng sang lĩnh vực vải, len, sợi, chỉ,... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Nhằm mở rộng và đầu tư lĩnh vực sản xuất vải, năm 2022, VDG đã mua lại 16% vốn góp Công ty TNHH Sản xuất Nguyên liệu Dệt may Vạn Đạt - doanh nghiệp chuyên sản xuất túi vải, được thành lập năm 2020 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Dù khá tâm huyết với lĩnh vực may mặc, Vạn Đạt Group vẫn chưa từ bỏ mảng bất động sản. Ban lãnh đạo cho biết mới đây đã nhận được chấp thuận thêm dự án Khu nhà ở Vạn Đạt tại khu vực Bình Dương. Được biết, dự án có diện tích 14.100m2, tổng đầu tư dự kiến hơn 252 tỷ đồng.

Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng chia sẻ về kế hoạch phát hành tăng vốn trong thời gian tới cho cổ đông chiến lược để mở rộng kinh doanh. Dự kiến của doanh nghiệp là phát triển thêm lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN), hướng tới thị trường xuất khẩu.

Trước khi phát hành cho cổ đông chiến lược, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 19/9 vừa qua, Vạn Đạt Group sẽ phát hành 500.000 cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 theo tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 10 cổ phiếu). Đồng thời, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch phát hành 275.000 cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, tỷ lệ 5% với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2024.

Sau khi hoàn tất 2 phương án phát hành này, vốn điều lệ của Vạn Đạt Group sẽ tăng nhẹ từ 50 tỷ đồng lên 57,75 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023 Vạn Đạt Group ghi nhận doanh thu thuần hơn 213 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm hơn 19%, đạt gần 2,6 tỷ đồng do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng.

6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần ghi nhận hơn 110 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ hơn 1 tỷ đồng, giảm 17% do giá vốn tăng cao.

Vietcap chào bán cổ phiếu với 'giá hời', quỹ ngoại đua nhau đặt mua

Vietcap chào bán cổ phiếu với 'giá hời', quỹ ngoại đua nhau đặt mua

Tài chính
(VNF) - Vietcap dự kiến phát hành 143,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức 28.000 đồng/cp - thấp hơn thị giá 22%, thu hút nhiều “cá mập” ngoại tham gia.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.