Công nghệ

'Tân binh' viễn thông FPT Retail gia nhập thị trường từ đầu năm 2024

(VNF) - Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) sẽ cung cấp chính thức dịch vụ mạng di động ảo vào đầu năm sau.

'Tân binh' viễn thông FPT Retail gia nhập thị trường từ đầu năm 2024

FPT Retail hợp tác cùng Mobifone cung cấp dịch vụ mạng di động ảo.

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện FPT Retail cho biết sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo trước cho nhân viên trong Tập đoàn FPT từ cuối tháng 11/2024. Đến đầu năm 2024, doanh nghiệp sẽ chính thức dịch vụ mạng di động ảo ra thị trường.

FPT Retail được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc vào hồi tháng 6. Dịch vụ này được FPT Retail phát triển dựa trên hợp tác cùng nhà mạng Mobifone.

"Tân binh" này kỳ vọng sẽ trở thành một mạng di động mới trẻ trung, năng động hướng đến người tiêu dùng trẻ, hiện đại và luôn đón đầu ứng dụng công nghệ mới.

Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến, mà thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách liên kết với một đơn vị nhà mạng đã sở hữu hạ tầng sẵn có và phân phối cho khách hàng dựa trên những thế mạnh của mình. Theo quy định, cơ quan quản lý chỉ cấp phép có giới hạn cho các nhà mạng có hạ tầng, còn không giới hạn với các mạng di động ảo. 

Hiện tại, thị trường Việt Nam có 4 nhà mạng ảo đang kinh doanh. Trong đó, iTel (đầu số 087) và Reddi (đầu số 055) hợp tác với VinaPhone; Local (đầu số 089) và VNSky thuộc hệ sinh thái của VNPAY (đầu số 0777) cùng hợp tác cùng Mobifone.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30/4/2023, có khoảng 2,65 triệu thuê bao của các nhà mạng ảo tại Việt Nam, chỉ chiếm khoảng 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí... Tuy nhiên, số lượng 2,65 triệu thuê bao mạng di động ảo là một con số quá nhỏ bé, các dịch vụ các nhà mạng ảo đang cung cấp cũng tương đối hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo thế mạnh.

Để thúc đẩy phát triển mạng di động ảo, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các doanh nghiệp nên nhìn nhận từ các dịch vụ ứng dụng trên Internet để tìm các dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng như tài chính, học tập... những dịch vụ liên quan đến “thị trường ngách” mà những nhà mạng lớn thông thường không cung cấp. Đây là hướng đi đúng với xu hướng trên thế giới cũng như thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, thúc đẩy cung cấp nhiều dịch vụ ứng dụng viễn thông trên nền Internet băng rộng di động.

Trở lại với FPT Retail, theo kết quả kinh doanh quý III/2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 8.236 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1,4 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức mức lỗ 200 tỷ đồng trong quý II/2023.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FPT Retail đạt 23.160 tỷ doanh thu (xấp xỉ 1 tỷ USD) và tăng 7% so với cùng kỳ. Công ty lỗ trước thuế 197 tỷ.

Tin mới lên