Tăng mạnh đầu năm mới, Bitcoin lấy lại mốc 20.000 USD sau vụ FTX sụp đổ

Minh Ý - 15/01/2023 15:27 (GMT+7)

(VNF) - Bitcoin đã lấy lại được mốc 20.000 USD sau gần 2 tháng kể từ thời điểm vụ phá sản của sàn tiền điện tử FTX gây ra cuộc chấn động lớn trong thế giới tiền số. Đồng tiền số lớn nhất thế giới đã có màn tăng giá đầy ấn tượng trong những tuần đầu năm mới, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

VNF
BTC đã có thời điểm tăng lên 21.000 USD trong ngày 14/1.

Theo Reuters, Bitcoin (BTC) đã tăng trở lại mốc 20.000 USD vào đầu giờ sáng ngày 14/1. Đây là lần đầu tiên đồng tiền này đạt được cột mốc 20.000 USD kể từ khi sàn tiền điện tử FTX phá sản vào tháng 11 năm ngoái, đẩy thị trường tiền số vào "chảo lửa". 

Thậm chí, đến chiều ngày 14/1, BTC còn lên mức cao nhất là hơn 21.000 USD.

Đồng tiền điện tử lớn nhất theo vốn hóa thị trường đã bắt đầu tuần gần mốc 17.000 USD sau khi lơ lửng ở mức 16.000 USD kể từ giữa tháng 12. Với mức hơn 20.000 USD hiện tại, BTC đã tăng hơn 20% trong 2 tuần đầu tiên của năm nay. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn đang ở mức thấp so với đỉnh 65.000 USD của BTC từng đạt được hồi tháng 11/2021.

Thật vậy, 20.000 USD “từng được coi là mức thấp đáng lo ngại nhưng giờ đây có khả năng là dấu hiệu của sự phục hồi", theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại nhà tạo lập thị trường ngoại hối Oanda.

Không chỉ BTC, đồng tiền điện tử lớn thứ hai thế giới là ethereum (ETH) cũng tăng hơn 20% giá trị kể từ đầu năm tới nay.

Chỉ số thị trường CoinDesk (CMI) tăng 14% trong tuần. Các cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử cũng được hưởng lợi từ đợt tăng giá trong tuần này: Sàn giao dịch Coinbase (COIN) tăng 39% trong khi công ty khai thác bitcoin Marathon Digital Holdings (MARA) tăng 76%.

Trong tuần này, nhà đầu tư thị trường tiền điện tử đã phần nào lấy lại được niềm tin nhờ những dấu hiệu từ thị trường truyền thống, khi chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng hơn 2% và các ngân hàng lớn bắt đầu mùa báo cáo thu nhập quý IV, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy lạm phát bắt đầu giảm sức nóng.

Theo ông Nicholas Colas, người đồng sáng lập công ty phân tích thị trường DataTrek Research, cho biết rằng mặc dù chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn khá quan trọng, nhưng đã xuất hiện các yếu tố khác thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, như việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tốc độ tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp và kinh tế Mỹ, cũng như lãi suất thực dương.

“Không điều nào trong số yếu tố này đảm bảo rằng năm 2023 sẽ là một năm tốt cho các tài sản rủi ro, nhưng nó nói lên rằng năm mới sẽ bình thường hơn rất nhiều so với năm ngoái”, ông Colas nói.

Xem thêm >> Dự báo đáng sợ cho giới tiền ảo: Bitcoin có thể về 10.000 USD trong năm 2023

Theo Coin Desk, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác