Tài chính

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Lựa chọn cho Việt Nam từ kinh nghiệm các nước

(VNF) - Việt Nam đang cân nhắc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Việc nghiên cứu thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn từ một số quốc gia là điều cần thiết để chính sách mới khi được ban hành có thể hài hòa được nhiều mục tiêu lớn.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Lựa chọn cho Việt Nam từ kinh nghiệm các nước

Chọn phương án tăng thuế TTĐB với thuốc lá đang gây ra nhiều tranh cãi.

Bài học từ Đức

Đức là minh chứng rõ ràng cho việc tăng thuế TTĐB quá mức (giai đoạn 2002-2005) ở cả hai cấu phần thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối đã dẫn đến việc giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, từ đó khiến người tiêu dùng hướng tới các lựa chọn thay thế, Chính phủ đã mất một nguồn thu đáng kể trong khi các vấn đề về buôn lậu và thương mại xuyên biên giới tăng cao.

Từ năm 2005 trở đi, cấu phần thuế theo tỷ lệ phần trăm bắt đầu giảm dần trong khi cấu phần thuế tuyệt đối đã bắt đầu tăng dần đều. Với xu hướng này, Đức đã có thể đạt được mục tiêu tăng doanh thu của chính phủ cũng như giảm tiêu dùng. Từ năm 2010, bằng cách thực hiện Mô hình Thuế Thuốc lá theo hướng tăng dần thuế TTĐB một cách vừa phải trong một khoảng thời gian cụ thể (5 năm), Chính phủ Đức đã có được nguồn thu ngân sách dễ dự đoán hơn. Các doanh nghiệp không cần phải tăng giá bán lẻ thuốc lá lên quá cao, chính sách này đã giúp ngành thuốc lá Đức trở nên ổn định hơn. Theo các báo cáo thống kê, nguồn thu ngân sách trung bình kể từ khi thực hiện mô hình này (tính từ năm 2011- 2019) đã tăng hơn 4,2% so với giai đoạn từ năm 2006 -2010.

Góc nhìn từ các nước châu Á

Hàn Quốc có cơ cấu thuế tương đối đơn giản (hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc), không phụ thuộc vào giá bán mà dựa vào đơn vị tiêu thụ. Cơ cấu này cho phép chính phủ Hàn Quốc dự đoán tốt hơn doanh thu từ thuế và thiết lập một mức thuế hiệu quả. Đồng thời, bằng cách xây dựng mức thuế thuốc lá tự động điều chỉnh theo lạm phát, Hàn Quốc có thể tăng giá thuốc lá thực tế tương ứng để phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ chi trả của họ.

Tuy nhiên, cải cách thuế thuốc lá năm 2005 và 2015 với việc tăng mạnh thuế TTĐB đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá đã khiến mức tiêu thụ thuốc lá ở Hàn Quốc giảm mạnh do giá thuốc lá tăng khá nhiều, nhưng các năm sau (2006 và 2016) đã chứng kiến mức tiêu thụ quay trở lại tương đối mạnh.

Rõ ràng, việc tăng thuế cao không phải là cách thức bền vững để cắt giảm tiêu dùng và giảm tỉ lệ hút thuốc tạo nguồn thu cho chính phủ. Hàn Quốc đã bắt đầu ghi nhận một số tình trạng mua bán thuốc lá lậu từ năm 2014 trở đi.

Philippines cũng trải qua một quá trình cải cách thuế từ từ trong những năm vừa qua để đơn giản hóa cơ cấu thuế thành cơ cấu thuế tuyệt đối một bậc. Việc sửa đổi dần dần này là một nỗ lực nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tiềm ẩn của sự thay đổi đột ngột và tạo ra một cơ cấu thuế hiệu quả hơn. Kế hoạch này cho phép Chính phủ tạo ra dòng thu ổn định hơn và có thể dự đoán được.

Những cải cách đối với cơ cấu thuế thuốc lá phải mất nhiều năm để đơn giản hóa cơ cấu từ bốn cấp xuống một cấp, và mỗi thay đổi được thực hiện một cách từ từ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm tàng như buôn bán thuốc lá lậu và để chính phủ tăng dần việc thu ngân sách cho những sản phẩm thuốc lá từ năm 2018 trở đi. Philippines cũng đang cố gắng thực hiện trong cuộc cải cách lần này là đơn giản hóa cơ sở thuế bằng cách loại bỏ quy định “đóng băng phân loại giá”.

Oxford Economics ước tính khoản thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Malaysia trong năm 2018 là 4,8 tỷ RM hoặc lớn hơn 70% so với thị trường hợp pháp. Chính phủ cũng không thể thu thuế doanh thu. Đánh giá từ Oxford Economics tính toán rằng, 331 triệu RM thuế doanh thu đã bị thất thu trong năm. Tổng số tiền thuế thất thu do buôn bán thuốc lá bất hợp pháp trong năm 2018 là hơn 5,1 tỷ RM, tương đương gần 3% tổng số thu từ thuế của Malaysia trong năm đó.

Ba nhà sản xuất thuốc lá đã đóng cửa các nhà máy ở Malaysia, gây ra tình trạng thất nghiệp và thất thu các loại thuế khác. Rõ ràng, việc tăng thuế cao và đột ngột như ở Malaysia đã không hỗ trợ chính phủ Malaysia đạt được mục tiêu của họ. Thay vào đó, nó làm trầm trọng thêm vấn đề buôn lậu vốn đã nghiêm trọng và tạo ra các hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường thuốc lá bao gồm tiếp tục mất nguồn thu của chính phủ, đóng cửa các nhà máy thuốc lá hợp pháp và mất việc làm của công nhân địa phương.

Phương án nào cho Việt Nam?

Về mặt xây dựng chính sách thuế, không có chính sách nào là hoàn hảo và có thể áp dụng chung cho các quốc gia do đặc điểm, quy mô phát triển kinh tế, và hành vi hút thuốc lá ở mỗi quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, một chính sách thuế theo thông lệ tốt nhất hoặc có hiệu quả phải đảm bảo đã được xem xét kỹ lưỡng những tác động đến các bên liên quan khác nhau có thể bị ảnh hưởng bởi thuế suất hoặc việc cải cách cơ cấu thuế. Bên cạnh đó, sự thành công một một chính sách thuế đòi hỏi một cơ cấu hoàn thiện để tạo ra thêm nguồn thu ngân sách để có thể được sử dụng để tài trợ cho các chương trình hiệu quả cụ thể đối với các mục tiêu phát triển y tế và xã hội.

Thông lệ quốc tế tốt nhất trong việc xây dựng một chính sách thuế thuốc lá hiệu quả và toàn diện cần phải có các đặc điểm sau:

Một là, dịch chuyển từ cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm sang cơ cấu hỗn hợp/ thuế tuyệt đối, như Hàn Quốc đã làm.

Hai là tăng thuế TTĐB từ từ, không nên tăng thuế đột ngột. Nếu không, như Malaysia, Anh, giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp đột ngột tăng cao, khiến người tiêu dùng rời bỏ thuốc lá hợp pháp. Nguồn thu của chính phủ khi đó sẽ trở nên mất ổn định và có thể giảm xuống.

Ba là có lộ trình tăng thuế dài hạn, minh bạch như Philippines thực hiện khi cải cách thuế từ 4 bậc xuống còn đơn bậc đồng thời điều chỉnh thuế TTĐB hàng năm.

Bốn là việc điều chỉnh thuế nên thực hiện từng bước, bảo vệ tính hiệu quả của biện pháp trước lạm phát.

Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng cách tiếp cận này và điều chỉnh thuế suất định kỳ qua thời gian. Chẳng hạn Philippines đã bãi bỏ “chế độ giữ nguyên phân loại giá” và sau cuộc cải cách thuế năm 2017, Philippines cũng đã tăng mức thuế hàng năm để phù hợp với mức lạm phát. Tương tự, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh mức thuế thuốc lá so với lạm phát để họ có thể tăng giá thuốc lá thực tế một cách tương ứng nhằm phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ khả năng chi trả của họ.

Tin mới lên