Tiêu điểm

Tăng tỷ lệ hưởng lương hưu lên gần 80%: Người lao động đóng BHXH cao hơn?

(VNF) - Với kiến nghị tăng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa từ 75 lên 79,5%, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Trần Thị Thuý Nga cho rằng, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi mức đóng BHXH của đa số doanh nghiệp chưa tăng.

Dự thảo luật BHXH sửa đổi là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhất trong phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây.

Theo dự thảo, cách tính hưởng lương hưu kế thừa toàn bộ quy định hiện hành. Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu mức tối thiểu 33,75%, đóng 35 năm sẽ hưởng tối đa 75%. Nữ tham gia 15 năm hưởng tối thiểu 45%, đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

Bên cạnh nhiều luồng ý kiến về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm trong dự thảo thấp hơn 5 năm so với quy định hiện hành để đủ điều kiện hưởng lương hưu, một vấn đề khác xoay quanh việc đề xuất tăng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa lên gần 80% cũng nhận được sự bàn tán sôi nổi từ nhiều đại biểu.

“Mức hưởng lương hưu phải tỷ lệ thuận với thời gian đóng góp”

Cụ thể, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. HCM) đã đề xuất cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động sẽ được tăng thêm 2,3% mức hưởng, tối đa không quá 79,5%. Đại biểu cho rằng chế độ này sẽ thu hút người lao động tham gia ở lại hệ thống an sinh.

Theo bà Thuý, tuổi lao động đang bị kéo dài ra, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nguồn tiền đóng BHXH. Căn cứ vào lập luận này, mức lương hưu tối đa nên cao hơn thay vì giữ nguyên như cũ.

Lý do đề xuất mức 79,5% là dựa trên cơ sở lao động nữ đóng BHXH 15 năm được hưởng 45%, đóng thêm 15 năm nữa đến khi đủ điều kiện 30 năm về hưu thì tích lũy thêm 34,5% (15x2,3%). Với lao động nam, tỷ lệ đóng khi đủ 35 năm là 79,75%.

Đề xuất tăng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa lên gần 80%

Xét theo tình hình thực tế, đa phần người lao động hiện nay đều rất quan tâm đến việc tham gia BHXH với mong muốn được hưởng chế độ hưu trí tốt khi về già. Thế nhưng, không có “của để dành” khi còn trẻ, cộng thêm mức lương hưu thấp đang khiến nhiều người phải chật vật sau khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, bà Thuý cho rằng từ năm 2018, số năm đóng BHXH đang có xu hướng tăng dần, trong khi mức lương hưu của người lao động lại bị giảm. Chẳng hạn như để đạt được mức tối đa theo quy định hiện hành, người lao động phải đóng đủ 30 – 35 năm thay vì 25 – 30 năm BHXH như trước. Thế nhưng trước năm 2018, lao động nữ tích lũy được 3%, nam 2% cho mỗi năm tham gia BHXH. Từ năm 2018 trở đi, tỷ lệ chỉ còn 2% đối với cả nam và nữ.

Theo quan điểm của bà Thuý, các quy định này đang khiến người lao động không còn quá quan tâm đến việc ở lại hệ thống an sinh do mức lương hưu bị giảm.

Mức hưởng lương hưu phải tỷ lệ thuận với thời gian đóng góp, mức lương hưu không cao mà điều kiện hưởng lại ngày một siết lại, vậy sẽ có thể dẫn đến tình trạng người tham gia BHXH chọn rút trước một lần thay vì chờ hưởng hưu trí, bà Thuý cho hay.

"Mục đích cuối cùng của BHXH là hưu trí, sửa luật cũng phải như làm cho miếng bánh ngon ngọt hơn mới hấp dẫn người lao động. Thế hệ sau nhìn vào người đi trước, thấy nhiều quyền lợi, lương hưu đủ sống sẽ tự động tham gia. Các dòng lao động liên tục đóng vào thì Quỹ Hưu trí tử tuất mới bền vững", bà Thuý nhận định.

Mỗi năm đóng BHXH tăng 2,3% là rất khó

Tuy xuất phát từ mong muốn đảm bảo quyền lợi cho người lao động, song bà Trần Thị Thúy Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng ý kiến của đại biểu Trần Thị Diệu Thúy vẫn cần phải cân nhắc thêm.

Bà Nga cho hay mức hưởng tối đa 75% ở nước ta hiện tại đã là cao hơn so với nhiều quốc gia khác, và việc tiếp tục tăng lên gần 80% có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHXH. 80% các doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đa phần các doanh nghiệp này khi đóng BHXH cho người lao động đều chọn đóng ở mức thấp nhất.

Tuy hưởng mức tối đa 75%, nhưng với thực trạng mức đóng BHXH đa phần đều là mức tối thiểu, thì lương hưu nhận về ở mức thấp là điều khó tránh khỏi.

Với mức đóng BHXH không thay đổi, nhưng mức hưởng tối đa lại được điều chỉnh tăng gần lên 80% sẽ gây ảnh hưởng tới an toàn của quỹ BHXH. Vì thế, kiến nghị mỗi năm đóng BHXH tăng 2,3% sẽ rất khó hiện thực hoá.

Tỷ lệ rời khỏi hệ thống an sinh có thể tăng cao nếu giảm thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu xuống 15 năm

Bên cạnh đó, nhìn nhận về việc dự thảo Luật BHXH sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm tối xuống 15 năm thì sẽ được hưởng lương hưu, cộng thêm hưởng lương hưu mức tối thiểu giảm còn 33,75% thì mức lương thực lĩnh của người tham gia BHXH ngắn hạn sẽ còn thấp hơn nữa.

Chưa kể, việc giảm thời gian đóng sẽ gây ra những hệ quả không lường tới. Chẳng hạn như để đảm bảo việc có lương hưu khi về già, người lao động có thể sẽ đưa ra những lựa chọn “chắc cốp” như rút BHXH một lần vào thời điểm 40 tuổi, sau đó tiếp tục tham gia lại BHXH cho đến lúc về hưu, dẫn đến tỷ lệ rời khỏi hệ thống an sinh tăng cao.

Tin mới lên