Tiêu điểm

Tập đoàn đa quốc gia chịu thuế tối thiểu toàn cầu 15%: Vốn FDI vào Việt Nam đổi dòng?

(VNF) - Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% với tập đoàn đa quốc gia có thể mang về 603 triệu USD nhưng nhiều quan ngại có thể đây là rào cản khiến các DN nước ngoài cân nhắc kỹ hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Tập đoàn đa quốc gia chịu thuế tối thiểu toàn cầu 15%: Vốn FDI vào Việt Nam đổi dòng?

Ảnh minh họa.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. 

Theo đó, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các DN đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Dự tính có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh và tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước 14,6 nghìn tỷ đồng (603 triệu USD). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Nhiều tờ báo về kinh tế như Financial Times hay Nikkei Asia cho rằng việc Việt Nam đánh thuế doanh nghiệp đa quốc gia có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nước ngoài. Trong đó có Samsung và Intel, hai “ông lớn” đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt.

FDI là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo Financial Times, động thái tăng thuế doanh nghiệp giúp ngăn chặn hành vi trốn thuế doanh nghiệp nhưng mặt khác, nó cũng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo nghiên cứu của HSBC, FDI là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm từ 4% - 6% GDP và đạt doanh thu 438 tỷ USD tính đến tháng 12/2022. Là nhà xuất khẩu hàng đầu về điện tử và dệt may, Việt Nam đã chứng kiến dòng vốn FDI cao kỷ lục khi các công ty nước ngoài tìm kiếm “miền đất mới” trong chiến lược Trung Quốc +1 để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Từ các tập đoàn công nghệ như Apple, Samsung, Sony đến các công ty sản xuất quần áo và giày dép như Crocs hay Adidas đều tăng cường hiện diện tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Samsung đã lắp ráp một nửa số điện thoại thông minh của hãng tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng là nơi Intel đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất toàn cầu của hãng.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là 20% nhưng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách giảm thuế và miễn thuế cho các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Ví dụ, cho phép các tập đoàn lớn như Samsung chỉ phải trả mức thuế 5%.

Theo Nikkei Asia, một số công ty trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm Samsung , LG, Foxconn, Panasonic, Pegatron và Intel, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế. Một đại diện của công ty nước ngoài lớn có hoạt động tại Việt Nam chia sẻ với Financial Times, công ty đang theo dõi liệu rằng chính phủ Việt Nam có đưa ra các ưu đãi khác sau khi áp dụng mức thuế suất 15% hay không.

Việc tăng thuế suất sẽ là gánh nặng lớn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

“Chúng tôi mong rằng Việt Nam có thể thành lập một quỹ nhà nước nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, giúp ngăn chặn tình trạng dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam”, vị đại diện này cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Vinh, đối tác tại Baker McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Để duy trì sức hấp dẫn trong thời gian ngắn, chính phủ cần điều chỉnh các ưu đãi thay thế mới để thu hút đầu tư nước ngoài”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp mức thuế suất cao hơn không có tác động lớn đến dòng vốn FDI tại Việt Nam. Ông Rob Medd - Giám đốc công ty tư vấn đầu tư Muddy Waters Asia, nhận định việc tăng thuế suất là việc làm đúng đắn của chính phủ Việt Nam bởi nó giúp cân bằng giữa đầu tư nước ngoài và doanh thu thuế.

Bà Trinh Nguyễn, một nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho rằng FDI của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan hay Philippines dù những thay đổi về thuế đã được thảo luận từ năm ngoái.

"Các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì lợi ích về thuế. Quốc gia Đông Nam Á này sở hữu nhiều lợi thế khác như chi phí đầu vào thấp bao gồm điện và tiền lương, nguồn lao động dồi dào cũng như có vị trí “đắc địa” trong việc kết nối với các thị trường lớn trên toàn cầu”, bà chia sẻ.

Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Anh Phạm, một chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng việc tăng thuế suất có thể giúp Việt Nam có cơ hội tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia khác, chẳng hạn có thể sử dụng nguồn thu thuế bổ sung để cải thiện cơ sở hạ tầng.

"Việt Nam sẽ có cơ hội cải thiện chất lượng lao động, mở rộng cơ sở hạ tầng logistics và cải cách thủ tục hành chính một cách nhanh chóng hơn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao hơn", ông nói.

Tin mới lên