Thảm họa cháy rừng ở Mỹ, toàn cầu cùng hứng chịu hậu quả
(VNF) - Cháy rừng ở Mỹ không chỉ là thảm họa thiên nhiên mang tính chất địa phương mà còn có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế.
Với vai trò là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gián đoạn do cháy rừng ở Mỹ để lại hậu quả lớn đối với chuỗi cung ứng hàng hóa và giá cả quốc tế.
Trong lịch sử, những vụ cháy rừng tại Mỹ do hạn hán kéo dài, khí hậu khô hạn, sét đánh, chập điện... đã gây ra thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ USD. Chuỗi cung ứng cũng đã bị gián đoạn đáng kể do việc sơ tán hàng loạt và sự hủy hoại cơ sở hạ tầng.
Theo Trung tâm Cháy Rừng Quốc gia Mỹ (National Interagency Fire Center), mỗi năm các trận cháy rừng ở Mỹ thiêu rụi hàng triệu hecta rừng, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Công ty phân tích tài chính Moody's Analytics ước tính thiệt hại kinh tế do cháy rừng gây ra có thể chiếm đến 0,3% GDP của Mỹ trong những năm cao điểm.
Gián đoạn chuỗi cung ứng, gây tăng giá toàn cầu
Mỹ là một trong những nhà cung cấp lớn của nhiều mặt hàng nông sản như hạnh nhân, rượu vang và quả mọng. Các bang bị ảnh hưởng bởi cháy rừng như California là trung tâm sản xuất và xuất khẩu chính các sản phẩm này.
Theo Reuters, khi cháy rừng xảy ra, diện tích đất canh tác bị thiêu rụi, làm giảm sản lượng và khả năng xuất khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu, gây tăng giá và áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia nhập khẩu.
Ví dụ như hạnh nhân, sản phẩm nông sản xuất khẩu hàng đầu của California trước đây đã chứng kiến giá cả tăng đột biến do thiếu hụt nguồn cung. Ngành công nghiệp rượu vang vốn dựa nhiều vào vùng Napa Valley, cũng đã chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Sự thiếu hụt sản lượng nông sản từ Mỹ đã tạo ra làn sóng tăng giá trên thị trường quốc tế. Theo Reuters, các đám cháy ở Brazil, một quốc gia sản xuất đường lớn, đã làm tăng giá đường lên mức cao nhất trong năm tuần, cho thấy tác động của thiên tai đến giá cả hàng hóa toàn cầu.
Các thực phẩm chính như ngô và đậu nành, vốn là nguồn cung của Mỹ cho nhiều nước đang phát triển đã ghi nhận mức giá cao lịch sử trong những năm gần đây.
Các quốc gia nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước châu Âu đã phải đối mặt với việc tăng chi phí nhập khẩu hoặc chuyển hướng tìm nguồn cung mới từ các quốc gia khác với giá cao hơn.
Trong khi đó, theo Munich Re, một trong những công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, cháy rừng đã phá hủy diện tích rừng khai thác gỗ, gây thiếu hụt nguồn cung cho ngành xây dựng và sản xuất nội thất. Điều này dẫn đến chi phí xây dựng tăng cao và ảnh hưởng đến các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ.
Theo Hiệp hội Lâm nghiệp Quốc tế (International Forestry Association), sản lượng gỗ dán bề mặt đã giảm trung bình 15-20% trong những năm gần đây do cháy rừng.
Tình trạng thiếu hụt gỗ đã đẩy giá gỗ tăng cao trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp xây dựng và nội thất. Các thảm họa thiên nhiên, bao gồm cháy rừng, đã gây ra thiệt hại kinh tế lớn, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, bao gồm xây dựng. Các nước nhập khẩu gỗ từ Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc từng phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất hoặc tìm nguồn cung thay thế từ Canada và Nga.
Các chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ước tính rằng giá gỗ chế biến thương mại quốc tế đã tăng hơn 30% trong vòng 5 năm qua do cháy rừng và các trở ngại trong nguồn cung liên quan.
Đặc biệt, cháy rừng thường làm tê liệt các tuyến đường giao thông, cảng biển và trung tâm logistics tại khu vực bị ảnh hưởng. Các trung tâm vận chuyển lớn của Mỹ bị đình trệ không chỉ làm chậm trễ việc giao nhận hàng hóa nội địa mà còn tác động trực tiếp đến các chuỗi cung ứng quốc tế. Hệ quả là giá cước vận chuyển tăng cao khiến chi phí cuối cùng của hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng tăng.
Theo Reuters, công ty năng lượng Kinder Morgan đã phải tạm dừng hoạt động hai đường ống dẫn nhiên liệu quan trọng ở Los Angeles do mất điện liên quan đến cháy rừng, ảnh hưởng đến việc cung cấp nhiên liệu cho các khu vực như Phoenix, Las Vegas và San Diego.
Gây áp lực lạm phát toàn cầu
Tăng giá hàng hóa cơ bản như nông sản, gỗ và các sản phẩm khác từ Mỹ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu.
Điều này đặc biệt rõ rệt trong bối cảnh các quốc gia đang phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Theo Munich Re, năm 2024 là một trong những năm có thiệt hại được bảo hiểm cao nhất do thiên tai, cho thấy tác động kinh tế nghiêm trọng của các sự kiện này.
Tiến sĩ Michael Mann, một nhà khoa học khí hậu nổi tiếng cho rằng: “Tình trạng cháy rừng gia tăng không chỉ là dấu hiệu rõ rệt của biến đổi khí hậu, mà còn là mối nguy cho kinh tế quốc tế.”
Nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nông sản và nguyên liệu từ Mỹ. Cháy rừng làm tăng giá nhập khẩu và buộc các quốc gia này phải tăng giá bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Trung Quốc, với thị phần chiếm 21,7% tính đến tháng 11 năm 2024. Nếu giá nông sản nội địa tại Mỹ tăng sẽ kích thích các nước tăng xuất khẩu vào thị trường này và Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn để giữ vị trí trên thị trường. Đồng thời, giai đoạn sau cháy rừng cũng mở ra cơ hội tăng xuất khẩu một số mặt hàng như trái cây, thủy sản và gỗ.
Châu Âu cũng nhập khẩu một lượng lớn rượu vang và hạnh nhân từ Mỹ. Việc thiếu hụt nguồn cung khiến các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại đây phải đối mặt với tình trạng tăng chi phí sản xuất. Đợt cháy rừng khủng khiếp trong lịch sử bang California năm 2018 đã đe dọa tới ngành sản xuất rượu vang, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển vốn đã gặp khó khăn về kinh tế càng phải gánh chịu tác động lớn từ việc tăng giá hàng hóa nhập khẩu.
Lịch sử những lần cháy rừng ở Mỹ gây hậu quả nghiêm trọng:
1871: Peshtigo, Wisconsin, thiệt hại 485.632 ha, 1.200-2.500 người chết, thị trấn Peshtigo bị phá hủy hoàn toàn.
1910: Idaho và Montana, thiệt hại 1.214.057 ha, 86 người chết, thiêu rụi hàng ngàn ngôi nhà, gây gián đoạn lớn đến ngành lâm nghiệp.
1988: Công viên Quốc gia Yellowstone, thiệt hại hơn 485.000 ha, thiêu rụi gần 36% diện tích công viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
2003: San Diego County, California, thiệt hại 110.592 ha, 15 người chết, hơn 2.800 ngôi nhà bị phá hủy.
2017: Napa và Sonoma Counties, California, thiệt hại 14.569 ha, 22 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế gần 1,2 tỷ USD.
2018: Paradise, California, 85 người chết, thiệt hại kinh tế ước tính 30 tỷ USD, toàn bộ thị trấn Paradise bị phá hủy.
2020: California, thiệt hại 1.200.000 ha, 6 trong 20 vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử California xảy ra trong năm này, gây thiệt hại lớn về tài sản và môi trường.
2021: Bắc California, thiệt hại 388.498 ha, hơn 1.300 công trình bị phá hủy, nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng.
2023: Lahaina, Hawaii, ít nhất 89 người chết, hàng nghìn người phải sơ tán, thị trấn Lahaina bị thiêu rụi hoàn toàn.
Cháy rừng ở California làm lộ lỗ hổng 1.000 tỷ USD trong bảo hiểm nhà ở Mỹ
- Chính phủ chốt phương án giảm 8 bộ, cơ quan 11/01/2025 10:46
- VINA2 bị truy thu và phạt hơn 10 tỷ đồng tiền thuế 11/01/2025 06:00
- Những trường hợp doanh nghiệp sẽ bị tước xuất khẩu gạo 11/01/2025 05:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.