Tài chính

Tham vọng năng lượng tái tạo của Tập đoàn Xây dựng Thăng Long

(VNF) - Sở hữu dày đặc các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thể hiện tham vọng không hề nhỏ ở thị trường giàu tiềm năng này, đã giúp Tập đoàn Xây dựng Thăng Long thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính.

Tham vọng năng lượng tái tạo của Tập đoàn Xây dựng Thăng Long

Tham vọng năng lượng tái tạo của Tập đoàn Xây dựng Thăng Long

Cuộc chơi năng lượng tái tạo

Theo TTXVN, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà máy điện gió Thăng Long, công suất 96 MW, có tổng vốn đầu tư 3.860 tỷ đồng. Đây là dự án điện gió thứ 9 trên địa bàn tỉnh được cấp chủ trương đầu tư.

Dự án nhà máy điện gió Thăng Long được lắp đặt tối đa 24 tuabin gió, xây dựng trên tổng diện tích gần 600ha. Trong đó, gần 545ha là diện tích mặt nước tại huyện Duyên Hải, trên 53ha ở đất liền nằm trong khu kinh tế Định An, gồm các hạng mục  trạm biến áp, nhà điều hành, cầu dẫn, móng trụ đường dây 220kV, đường vận hành và hành lang an toàn đường dây. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành nghiệm thu và phát điện thương mại vào quý III/2023.

Được biết, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Điện gió Thăng Long Trà Vinh, địa chỉ tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành. Thành lập vào đầu tháng 3/2021, Thăng Long Trà Vinh có vốn điều lệ 780 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long (Tập đoàn Thăng Long) góp 624 tỷ đồng, tương đương 80% vốn; theo sau là bà Phí Hải Yến (1991) với tỷ lệ đóng góp 19,5% cổ phần và bạn đồng niên là ông Đinh Hữu Thắng, sở hữu 0,5% còn lại.

Ông Đinh Hữu Thắng cũng là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà lãnh đạo quê Nghệ An này cũng nắm giữ vai trò tương tự tại Công ty Cổ phần Điện gió Thăng Long 1.1, một "phiên bản" lâu năm của Thăng Long Trà Vinh (thành lập năm 2020), với cơ cấu cổ đông, địa chỉ đăng ký trùng lặp, nhưng quy mô vốn nhỏ hơn với vốn sáng lập chỉ 200 tỷ đồng.

Ở công ty mẹ, ông Thắng là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Thăng Long chi nhánh TP.HCM. Đối với bà Phí Hải Yến, nữ doanh nhân ở Hà Nội tiếp tục sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Cổ phần Điện gió Thăng Long 1.2, pháp nhân "song sinh" với Điện gió Thăng Long 1.1 đề cập phía trên.

Tập đoàn Thăng Long và bà Yến cũng có "đồn trú" khác ở tỉnh Lào Cai, mang tên Công ty Cổ phần Năng lượng Yên Hà. Tương tự, Điện gió Thăng Long 1.2, Năng lượng Yên Hà ra đời ngày 20/8/2020 với vốn sáng lập là 150 tỷ đồng, do công ty mẹ và bà Yến nắm giữ lần lượt 70% và 29% vốn.

Đáng nói, theo thông tin mà VietnamFinance nắm được, tính đến hết năm đầu thành lập (2020), cả Điện gió Thăng Long 1.1, Điện gió Thăng Long 1.2 và Năng lượng Yên Hà đều chưa nhận đủ số vốn đầu tư mà chủ sở hữu đã đăng ký góp.

Không chỉ tại Năng lượng Yên Hà, ông Nguyễn Minh Ngọc (1987) còn đứng tên tại hàng loạt doanh nghiệp mảng năng lượng khác của Tập đoàn Thăng Long, như Công ty Cổ phần Thủy Điện Bản Công (vốn 70 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Thủy Điện Lùng Phín Ngài (182 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Trà Vinh (20 tỷ đồng). Đây đều là các doanh nghiệp mới được thành lập trong khoảng thời gian 2020-2021.

Trên website của mình, Tập đoàn Thăng Long cho biết tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại và Tư vấn Thăng Long, đi vào hoạt động từ năm 1998, có trụ sở ở Hà Nội. Trải qua hơn hai thập kỷ gây dựng và phát triển, đến nay Tập đoàn Thăng Long đã trở thành tập đoàn đa ngành, cung cấp sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là xây dựng các công trình cầu đường bộ, tư vấn xây dựng, đào tại lái xe ô tô, sửa chữa cơ khí...

Dù chia sẻ định hướng chính vẫn là mảng xây dựng cốt lõi, song qua quan sát có thể thấy chiến lược phát triển những năm gần đây của tập đoàn là năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió), khi liên tục thành lập các phân nhân mới ở các khu vực giàu tiềm năng của lĩnh vực này.

Ngoài dự án nhà máy điện gió Thăng Long mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, Tập đoàn Thăng Long đã sở hữu cho mình dự án thủy điện Chu Va II (công suất 12 MW, tổng mức đầu tư trên 430 tỷ đồng) và dự án nhà máy thủy điện Bạch Đằng (công suất 5 MW, hơn 200 tỷ đồng), trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Cao Bằng.

Dự án nhà máy thủy điện Bạch Đằng của Tập đoàn Thăng Long

Thực lực của đại gia Hà Nội

Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc của Tập đoàn Thăng Long là doanh nhân Phí Văn Thịnh, sinh năm 1962. Ông Thịnh cũng là cổ đông nắm giữ lượng cổ phần chi phối doanh nghiệp, tại ngày 30/8/2017, tỷ lệ sở hữu lên tới 96% vốn, tương ứng 240 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, Tập đoàn Thăng Long nâng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; sau đó tiếp tục tăng lên 650 tỷ đồng vào tháng 3/2021 và duy trì đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, người đứng đầu Tập đoàn Thăng Long đều hiện diện trong danh sách cổ đông của phần lớn các công ty thành viên, chẳng hạn Công ty Cổ phần Thủy điện Khau Chu, Công ty Cổ phần Thăng Long Trường Phát, Công ty Cổ phần Thủy Điện Bản Công, Công ty Cổ phần Năng lượng EcoGreen, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Nậm Mở...

Sở hữu mạng lưới công ty thành viên dày đặc, cùng nhiều năm hoạt động trên thị trường, doanh thu của Tập đoàn Thăng Long (công ty mẹ) khá tốt so với quy mô vốn. Giai đoạn 2016-2020, doanh thu lần lượt đạt 169,8 tỷ đồng, 347,3 tỷ đồng, 275 tỷ đồng, 306,9 tỷ đồng và 240,5 tỷ đồng.

Các năm này, biên lợi nhuận gộp bình quân của doanh nghiệp ở trên dưới mức 5%, sau trừ phí và thuế, lợi nhuận chỉ tương đối khiêm tốn với 1,7 tỷ đồng, 1,6 tỷ đồng, 1,4 tỷ đồng, 816 triệu đồng, 1 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy biên lãi ròng của Tập đoàn Thăng Long thường xuyên dao động quanh ngưỡng 0,5%, thậm chí có năm giảm còn 0,26% (2019), phản ánh khả năng sinh lời hạn chế của doanh nghiệp.

Về cấu trúc tài chính, trước năm 2018, nợ phải trả của Tập đoàn Thăng Long thường ngang ngửa vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp cho thấy tình trạng phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở liên tục tăng, đến cuối năm 2020 là 1,3 lần, với nợ phải trả là 530,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn gần 160 tỷ đồng, vay ngắn hạn 100 tỷ đồng. Vay nhiều hơn làm chi phí trả lãi gia tăng, đơn cử năm 2020, doanh nghiệp đã phải chi 5,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với năm trước đó, và cũng là nguyên nhân "bào mòn" lợi nhuận trong kỳ.

Đáng nói, dòng tiền kinh doanh cũng không hề tốt khi âm suốt cả giai đoạn 2016-2020, lần lượt các mức âm là 40,5 tỷ đồng, 37,2 tỷ đồng, 23,8 tỷ đồng, 100,7 tỷ đồng và 16,9 tỷ đồng. Điều này cũng lý giải phần nào việc Tập đoàn Thăng Long phải đi vay mượn nhiều hơn.

Năm 2020, Tập đoàn Thăng Long đã đem các tài sản hình thành trong tương lai của dự án thủy điện Chu Va II làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng giao dịch với Agribank - Chi nhánh Yên Bái. Cụ thể, tài sản bảo đảm gồm có hệ thống thiết bị cơ khí thủy lực và các thiết bị đi kèm (tua bin thủy lực, buồng xoắn, máy điều tốc...); hệ thống thiết bị cơ khí thủy công và các thiết bị đi kèm (thiết bị hạng mục đập đầu mối, thiết bị hạng mục bể lắng...); hệ thống thiết bị điện và các thiết bị đi kèm (máy phát điện, máy biến áp (2 máy)...)

Ở nhóm công ty thành viên, "chiến tướng" của Tập đoàn Thăng Long là Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Nghi Sơn cũng hoạt động không mấy hiệu quả. Doanh thu các năm 2016-2020 đạt 31,2 tỷ đồng, 12 tỷ đồng, 11,9 tỷ đồng, 59,1 tỷ đồng, 49 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận cũng không hề cao với mức bình quân gần 6 tỷ đồng trong 5 năm. Cá biệt năm 2017 đơn vị còn lỗ 1,9 tỷ đồng, cải thiện hơn một chút ở năm kế tiếp với 113 triệu đồng, trong bối cảnh doanh thu liên tiếp sụt giảm mạnh so với năm 2016.

Tin mới lên