Thành lập Viện STI: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Mai Anh - 20/11/2024 16:46 (GMT+7)

(VNF) - Sự ra đời của Viện Chiến lược Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (STI) hứa hẹn tạo ra cú hích mạnh mẽ cho quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Markets and Markets, thị trường blockchain toàn cầu dự kiến đạt 39,7 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng với tốc độ kỷ lục 67,3%/năm.

Còn theo Statista, doanh thu thị trường fintech toàn cầu ước đạt 188 tỷ USD vào năm 2024, gấp đôi so với năm 2019.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ mới như Quyết định 2117/QĐ-TTg về thúc đẩy kinh tế chia sẻ, Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0. Nhờ đó, hệ sinh thái blockchain và fintech trong nước đang từng bước hình thành với sự tham gia của nhiều "ông lớn" như FPT, VNG, Napas, ViettelPay, MoMo...

Nhưng để tận dụng được tiềm năng to lớn của công nghệ mới, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với không ít thách thức. Theo khảo sát của Hiệp hội Fintech Việt Nam, có tới 87% doanh nghiệp fintech gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự chuyên môn phù hợp, 76% cần hỗ trợ về mặt pháp lý, chính sách, 64% mong muốn được tư vấn về mô hình kinh doanh, chiến lược sản phẩm.

Trước thực trạng này, vai trò của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, đào tạo chuyên sâu trở nên hết sức quan trọng và cấp thiết.

Ông Lê Phước Minh, Chủ tịch hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam (Vayse) trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) cho TS. Nguyễn Trung Kiên

Vào ngày 24/10/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Chiến lược Công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI).

Viện STI được thành lập với sứ mệnh trở thành đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về các công nghệ mũi nhọn như blockchain, fintech, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Thông qua đó, Viện sẽ huy động nguồn lực tư nhân để cùng Đảng, Chính phủ hiện thực hóa các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về blockchain vào năm 2030 theo Chiến lược Quốc gia.

STI ra đời nhằm huy động nguồn lực tư nhân để cùng Đảng và Chính phủ thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với 6 mục tiêu và sứ mệnh chính: hoạch định chiến lược và chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu xu hướng công nghệ để định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và thông tin khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao; đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TS. Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện STI chia sẻ về thị trường Blockchain và Fintech

Chia sẻ về tầm nhìn của Viện STI, TS. Nguyễn Trung Kiên - Viện trưởng STI - cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt xu hướng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tương lai tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả, Viện STI sẽ góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế."

Cụ thể, Viện STI sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: nghiên cứu xu hướng công nghệ mới, hoạch định chiến lược phát triển các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên nền tảng công nghệ; tư vấn, hỗ trợ Chính phủ xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, thông thoáng để thúc đẩy ứng dụng blockchain, fintech trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ tư vấn chiến lược, mô hình kinh doanh, giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Cùng với đó, Viện STI sẽ phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về blockchain, fintech từ cơ bản đến nâng cao, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường; kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thu hút chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về tiềm năng, cơ hội và thách thức của blockchain, fintech và các công nghệ mới.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động trên, Viện STI đã và đang xây dựng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, am hiểu sâu về công nghệ và thị trường, bao gồm các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Viện cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác chiến lược như VNS Capital, VietCham Singapore, các trường đại học hàng đầu để triển khai các dự án nghiên cứu, đào tạo quy mô lớn.

Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội: Bước tiến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số

Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội: Bước tiến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số

Công nghệ
(VNF) - Vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 18, đã chính thức thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội.
Cùng chuyên mục
Tin khác