Khác biệt ngân hàng số và Fintech: Cạnh tranh hay cộng hưởng sức mạnh
(VNF) - Ngân hàng thuần số và Fintech có nhiều điểm tương đồng, từ mô hình dịch vụ tới mục tiêu hướng tới trong tương lai. Điều này sẽ đem tới sự hợp tác và cộng hưởng, nhằm tạo ra một mô hình lý tưởng, vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của người dùng, vừa đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro tài chính.
- Rào cản khiến ngân hàng số chưa thể thoát 'bóng của mẹ' 17/11/2024 09:30
Ngân hàng số và Fintech: Sự tương đồng bất ngờ
Trên một diễn đàn công nghệ, anh Đ.T.H (TP. HCM) đã đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa ngân hàng thuần số (Neobank, hay Digital-only Bank) và Fintech, khi hai mô hình này có nhiều nét tương đồng và chỉ khác biệt ở cách thức đăng ký hoạt động.
Trả lời câu hỏi của anh Đ.T.H, tài khoản N.T.H (Hà Nội) giải thích ngắn gọn rằng Fintech là công nghệ tài chính, nghĩa là bất kỳ công nghệ nào phục vụ tài chính đều được coi là Fintech, trong khi ngân hàng thuần số là ngân hàng hoạt động hoàn toàn trực tuyến, không có chi nhánh vật lý. “Ngân hàng thuần số là một dạng công nghệ tài chính, nhưng Fintech không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng,” người này cho biết.
Những thắc mắc như của anh Đ.T.H khá phổ biến khi không ít người dùng nhầm lẫn giữa ngân hàng thuần số và Fintech. Thực tế, khi so sánh, nhiều người sẽ bất ngờ trước những nét tương đồng giữa hai mô hình. Cả ngân hàng thuần số và Fintech đều lấy công nghệ làm nền tảng để cung cấp các dịch vụ tài chính nhanh chóng, thuận tiện, cá nhân hóa và đều nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, nâng cao tính minh bạch, tạo ra các sản phẩm tài chính phù hợp cho thời đại số.
Cả hai mô hình đều hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ, những người nắm bắt và thích ứng nhanh với công nghệ. Về mặt dịch vụ, ngân hàng thuần số có phạm vi hoạt động khá hạn chế, chủ yếu là mở tài khoản, huy động tiền gửi, thanh toán, cho vay nhanh, đầu tư liên kết,... trong khi Fintech có thể cung cấp dịch vụ tương tự, thậm chí đa dạng hơn.
Điểm khác biệt chính nằm ở quyền hạn trực tiếp của ngân hàng thuần số trong thanh toán và cho vay, trong khi Fintech chỉ đóng vai trò trung gian kết nối giữa người dùng và ngân hàng, do pháp luật Việt Nam hiện không cho phép Fintech trực tiếp cung cấp dịch vụ tương tự ngân hàng. Điều này cũng như cách tài khoản N.T.H đã nêu: sự khác biệt chủ yếu ở cách đăng ký hoạt động của mỗi mô hình.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo – một trong những Fintech hàng đầu tại Việt Nam – cho biết có sự nhầm lẫn phổ biến giữa ngân hàng thuần số và Fintech, nhưng thực chất chúng khác biệt về mô hình hoạt động, giấy phép và phạm vi dịch vụ.
Ông Diệp cho rằng, trong khi ngân hàng số tập trung vào tăng tiền gửi, CASA, cho vay và quản lý nợ, Fintech sẽ đi vào các ngách nhỏ hơn, chuyên sâu hơn, như kết nối đối tác thanh toán với ngân hàng, giúp người dùng dễ dàng thanh toán các dịch vụ không tiền mặt qua ví điện tử, qua đó tăng tỷ lệ CASA cho ngân hàng.
Ông Diệp đặc biệt nhấn mạnh rằng MoMo không phải ngân hàng mà chỉ là cầu nối giúp người dùng tiếp cận các dịch vụ tài chính từ nhiều tổ chức, bao gồm ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Để người dùng dễ phân biệt, MoMo luôn minh bạch trong các dịch vụ của mình, định vị rõ là nền tảng cung cấp dịch vụ, đồng thời hợp tác với các ngân hàng nhằm mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, nhiều nhà phân tích trên thế giới vẫn coi ngân hàng thuần số là sự phát triển tiếp theo của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Lý giải cho nhận định này là do nhiều ngân hàng thuần số ra đời từ sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng truyền thống, tạo nên nhiều điểm tương đồng về mô hình hoạt động.
Hỗ trợ cùng phát triển
“Fintech và ngân hàng thuần số không cạnh tranh, mà bổ trợ lẫn nhau để xây dựng hệ sinh thái tài chính,” ông Nguyễn Bá Diệp khẳng định.
Theo ông, cả hai đều hướng tới tăng cường tiếp cận tài chính cho các nhóm người dùng chưa được phục vụ đầy đủ, như ở vùng sâu, vùng xa hoặc những người thu nhập thấp. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện (financial inclusion).
Bên cạnh đó, cả hai mô hình đều tập trung vào cải thiện trải nghiệm người dùng, giúp người dùng quản lý tài chính thuận tiện hơn qua ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến.
Ngân hàng nói chung và ngân hàng thuần số nói riêng có thế mạnh về nguồn vốn và hệ thống tài chính chính thống, trong khi Fintech lại nổi bật ở tốc độ phát triển công nghệ, khả năng đáp ứng nhanh với nhu cầu đa dạng. Sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng thuần số có thể tạo ra một mô hình lý tưởng, vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của người dùng, vừa đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro tài chính.
Trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, Fintech có thể hợp tác cùng ngân hàng thuần số để cung cấp các khoản vay nhỏ, thời hạn ngắn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày với điều kiện linh hoạt và thủ tục đơn giản. Công nghệ hiện đại giúp quy trình vay và giải ngân nhanh chóng, thu hút người dùng có nhu cầu tài chính tức thời.
Ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, để xây dựng lòng tin và duy trì khách hàng, cả Fintech và ngân hàng thuần số đều cần tập trung vào ba yếu tố chính: minh bạch, an toàn và trải nghiệm người dùng. Chiến lược bền vững của họ là luôn lắng nghe khách hàng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu người dùng và đảm bảo sự đồng hành lâu dài trong mọi khía cạnh quản lý tài chính.
Ngoài ra, Fintech có thể hỗ trợ ngân hàng thuần số trong một số mảng công nghệ đặc thù nhờ kinh nghiệm triển khai từ sớm và sự đầu tư liên tục vào công nghệ. Các công nghệ lõi như ứng dụng di động, big data và AI/GenAI là những điểm mạnh của Fintech có thể giúp nâng cao hiệu quả cho ngân hàng số.
TS Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cũng nhận định rằng các ngân hàng thuần số nên tích hợp với các Fintech và Bigtech, xây dựng mối quan hệ hợp tác để tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ, mở rộng phạm vi dịch vụ và nâng cao giá trị cho khách hàng. Điều này không chỉ giúp ngân hàng thuần số phát triển trong kỷ nguyên số mà còn có thể trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính hiện đại.
Ngân hàng số: Bất ngờ chững lại và dấu hỏi về tương lai
- 'Sau thử thách, chỉ 1 - 2 Neobank có thể tồn tại' 05/07/2024 08:00
- Neobank: Tương lai ngân hàng số tại Việt Nam 27/05/2023 07:57
- Neobank - mô hình ngân hàng số tương lai 02/10/2022 12:09
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.