Rào cản khiến ngân hàng số chưa thể thoát 'bóng của mẹ'

Hải Đường - 17/11/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng thuần số được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 3 chữ số trong tương lai, tuy nhiên sự thiếu hụt các quy định sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển này.

Ngân hàng số dưới 'bóng của mẹ'

Như đã đề cập, các ngân hàng thuần số tại Việt Nam hiện nay đều hoạt động như một bộ phận, một công ty con của các ngân hàng truyền thống, hoạt động dưới “giấy phép con” của ngân hàng mẹ, thay vì được công nhận là một ngân hàng độc lập. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm từ nhiều người dùng, khi cho rằng các ngân hàng số tại Việt Nam chỉ đơn thuần là một phiên bản nâng cấp và hợp nhất các tính năng của Internet Banking và Mobile Banking trước đây, thay vì là những ngân hàng thực thụ theo mô hình Digital-only Bank hay Neobank như ở các quốc gia phát triển.

Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ FIMI, chia sẻ rằng sự ra đời của các ngân hàng thuần số không chỉ giúp ngân hàng mẹ thu hút thêm lượng khách hàng mới, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi với nền tảng công nghệ vững vàng, mà còn giúp giảm thiểu chi phí vận hành.

Cake by VPBank - một trong những ngân hàng thuần số đang hoạt động mạnh mẽ nhất hiện nay

Nhờ việc không cần duy trì các chi nhánh hay phòng giao dịch, các ngân hàng thuần số có thể tiếp cận khách hàng và cung cấp dịch vụ tài chính trực tuyến một cách hiệu quả. Thêm vào đó, các ngân hàng này còn có thể thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới mà không làm thay đổi cấu trúc của ngân hàng mẹ, qua đó giúp ngân hàng mẹ tránh bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ với các công ty Fintech đang nổi lên.

Tuy nhiên, theo ông Quang, trong giai đoạn đầu phát triển, các ngân hàng thuần số cần phải xây dựng niềm tin từ phía khách hàng và điều chỉnh mô hình sao cho phù hợp với thị trường. Việc hoạt động dưới sự bảo trợ của ngân hàng mẹ không chỉ giúp ngân hàng thuần số giảm thiểu rủi ro mà còn tận dụng được nguồn lực sẵn có, giúp cho mô hình này chưa cần phải cấp phép độc lập ngay lập tức.

Chuyên gia Trần Nguyên Đán, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng bất kỳ sự ra đời của một lĩnh vực nào cũng cần phải dựa trên một nền tảng sẵn có. Khi đến một giai đoạn phát triển nhất định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng thuần số sẽ dẫn đến việc cần phải tách ra khỏi ngân hàng mẹ để hoạt động độc lập. Ông dẫn chứng thực tế từ các quỹ đầu tư ban đầu được hình thành từ các ngân hàng đầu tư, nhưng sau đó tách ra để tạo dựng một sân chơi riêng và chiếm lĩnh thị phần lớn trong thị trường tài chính.

Khẩn thiết xây dựng khung pháp lý

Để quá trình tách ra thành ngân hàng độc lập diễn ra thuận lợi, việc xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng thuần số là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia cho rằng sự thiếu vắng một hệ thống pháp lý rõ ràng cho các ngân hàng thuần số có thể khiến khách hàng nghi ngờ về sự ổn định lâu dài của mô hình này.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính hiện nay, nơi mà bất kỳ sự cố nào cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của khách hàng đối với các ngân hàng thuần số. Hệ quả là các ngân hàng thuần số sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống, đồng thời khiến mô hình này trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ tăng trưởng của các ngân hàng thuần số có thể đạt mức ba con số, và nếu không có các quy định pháp lý chuyên biệt, chính sự thiếu hụt các quy định sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển của thị trường tài chính số.

Ngoài ra, ông Đán cũng cho rằng việc thiếu khung pháp lý cho các giao dịch tài chính số sẽ dẫn đến việc các ngân hàng thuần số phải chịu thêm phí bảo hiểm rủi ro pháp lý, điều này khiến cho các mục tiêu ban đầu của phát triển tài chính số (bao gồm việc giảm thiểu chi phí) không thể thực hiện được.

Mặc dù vậy, việc chưa cấp phép cho ngân hàng thuần số như một ngân hàng độc lập và việc chưa có các quy định cụ thể cho mô hình này cũng thể hiện sự thận trọng của các nhà làm luật và cơ quan quản lý tại Việt Nam. Đây là một động thái hợp lý trong bối cảnh các mô hình kinh doanh mới thường tiềm ẩn nhiều rủi ro mà cơ quan quản lý chưa thể lường trước được.

Ông Đán cũng lưu ý rằng không chỉ tại Việt Nam, mà ngay cả ở những quốc gia phát triển, chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc quản lý các lĩnh vực công nghệ mới, đặc biệt là tài chính công nghệ (Fintech). Chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra sự xáo trộn về các quy định và mối quan hệ giữa các bên trong quá trình hình thành giao dịch, khiến các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý.

Cần cơ chế đặc thù “sandbox”

Một trong những giải pháp khả thi được nhiều chuyên gia đưa ra là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Thay vì tiếp tục gắn các ngân hàng thuần số với các ngân hàng truyền thống, mô hình sandbox sẽ cho phép các ngân hàng thuần số hoạt động trong một không gian thử nghiệm, có sự giám sát và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Mô hình này không chỉ giúp các ngân hàng thuần số tích lũy kinh nghiệm, phát hiện và giảm thiểu các rủi ro mà còn giúp cơ quan quản lý phát triển một khung pháp lý phù hợp.

Các chuyên gia đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho ngân hàng thuần số hoạt động độc lập

Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, công tác lập pháp ở Việt Nam vẫn còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Khi khung pháp lý được hoàn thiện, có thể công nghệ tài chính đã phát triển theo một hướng khác, khiến việc sửa đổi luật trở nên lạc hậu.

Do đó, ông đề xuất cần có một cơ chế luật đặc thù để việc xây dựng các quy định quản lý mới diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó, sự tham gia của các bên liên quan trong ngành công nghệ tài chính sẽ giúp việc hình thành và cập nhật các quy định diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ từ hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), ông Đán chỉ ra rằng việc áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và các thuật toán dự báo đã giúp quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khung pháp lý hiện tại về an toàn vốn của các trụ cột định lượng trong chuẩn mực Basel không còn phù hợp với hoạt động của các nền tảng P2P Lending. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một hệ thống pháp lý linh hoạt và đặc thù để quản lý các mô hình tài chính mới, trong đó cơ chế sandbox sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và phát triển thị trường tài chính số.

Ngân hàng số: Sớm thoát khỏi cái bóng của 'mẹ'

Ngân hàng số: Sớm thoát khỏi cái bóng của 'mẹ'

Ngân hàng
(VNF) - Ngân hàng số đã gặp phải một số rào cản nhất định trong hoạt động kinh doanh như quy mô, quy trình… khi chưa được hoạt động như một ngân hàng độc lập. Tuy nhiên, khả năng thích nghi nhanh chóng với công nghệ đã tận dụng được hạn chế về quy mô để tạo nên sức bật mạnh mẽ cho ngân hàng số.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.