Ngân hàng số: Sớm thoát khỏi cái bóng của 'mẹ'

Hải Đường - 31/10/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng số đã gặp phải một số rào cản nhất định trong hoạt động kinh doanh như quy mô, quy trình… khi chưa được hoạt động như một ngân hàng độc lập. Tuy nhiên, khả năng thích nghi nhanh chóng với công nghệ đã tận dụng được hạn chế về quy mô để tạo nên sức bật mạnh mẽ cho ngân hàng số.

Rào cản hoạt động

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã mang đến làn sóng mới cho lĩnh vực tài chính ngân hàng, mở ra sự ra đời của các mô hình kinh doanh mới như ngân hàng thuần số (Digital-only Bank) và Neobank.

Tại Việt Nam, các ngân hàng số này đã có mặt và phát triển trong khoảng 8 năm qua, thu hút sự chú ý của người dùng nhờ sự tiện lợi, nhanh chóng và chi phí thấp. Trước những rào cản về pháp lý, các ngân hàng số tại Việt Nam hiện đang hoạt động dưới giấy phép ‘con’ của ngân hàng thương mại truyền thống do pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định riêng cho loại hình này.

Cake by VPBank là một trong những ngân hàng số tiêu biểu tại Việt Nam

Dưới cái bóng của ngân hàng mẹ, thay vì được nhìn nhận như một nhà băng thực thụ, nhiều người dùng cho rằng các ngân hàng số tại Việt Nam đang hoạt động giống như một phiên bản nâng cấp và hợp nhất các tính năng của Internet banking và Mobile banking trước đây, chưa đúng với mô hình Digital-only Bank, Neobank trên thế giới. Ở góc nhìn chuyên gia, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng số tại Việt Nam được đánh giá khá độc lập với ngân hàng mẹ, với thương hiệu riêng, định hướng rõ ràng và sản phẩm tạo ra sự khác biệt.

Song một số quan điểm lại cho rằng các ngân hàng số tại Việt Nam chỉ là công cụ hỗ trợ, là cánh tay nối dài để ngân hàng truyền thống cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với các công ty Fintech. Trong cơ cấu này, ngân hàng số phụ trách phần dịch vụ khách hàng (Front-end), trong khi các ngân hàng thương mại mẹ vẫn đảm nhận toàn bộ quy trình xử lý nghiệp vụ (Back-end).

Dù được hình thành với định hướng nào, việc hoạt động dưới hình thức công ty con, hoặc một bộ phận của ngân hàng mẹ có thể dẫn đến một số rào cản nhất định trong kinh doanh của ngân hàng số.

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn FPT Digital đã chỉ ra 3 hạn chế mà ngân hàng số gặp phải. Đầu tiên, các ngân hàng số phải tuân thủ các quy trình và chính sách quản trị chặt chẽ của ngân hàng mẹ, điều này có thể làm chậm tốc độ ra quyết định và triển khai các giải pháp sáng tạo. Ngân hàng mẹ thường có cấu trúc chức năng và quy trình tác nghiệp phức tạp, khiến cho các ngân hàng số khó tận dụng được sự linh hoạt thông qua công nghệ để thử nghiệm và triển khai các sản phẩm dịch vụ mới.

Thứ hai, cũng do sự ràng buộc bởi các quy định cũ, các ngân hàng số hiện tại đa phần triển khai kinh doanh các dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, tiết kiệm, và thanh toán hướng tới các đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích công nghệ. Hành lang pháp lý và hệ thống quy định nội bộ hiện chưa cho phép phát triển các dịch vụ ngân hàng chuyên sâu đòi hòi quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, việc thiếu hụt nguồn nhân lực sáng tạo, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng số chưa thể phát huy hết tiềm năng của mình. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn hơn vào con người để thúc đẩy sáng tạo và cung cấp những dịch vụ tài chính tiện lợi hơn cho khách hàng.

Quy mô nhỏ, sức bật công nghệ lớn

Dù bị hạn chế về quy mô hoạt động, các ngân hàng số tại Việt Nam lại sở hữu một lợi thế quan trọng: khả năng nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới. Quy mô nhỏ của ngân hàng số giúp họ linh hoạt và nhanh chóng trong việc áp dụng các tiến bộ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain, những công nghệ đang thay đổi cục diện ngành tài chính.

Các ngân hàng truyền thống, với hệ thống hạ tầng chậm cập nhật và cấu trúc tổ chức phức tạp, thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình số hóa toàn diện. Trong khi đó, ngân hàng số với mô hình tinh gọn có thể nhanh chóng triển khai công nghệ và cung cấp các dịch vụ trực tuyến tiện lợi cho khách hàng.

Ông Đoàn Hữu Hậu nhận định: “Quy mô nhỏ của ngân hàng số thực sự là lợi thế cạnh tranh quan trọng, đặc biệt khi các công nghệ như AI, Big Data và blockchain trở thành động lực cho sự đổi mới trong ngành tài chính. Ngân hàng số có thể thích nghi và triển khai nhanh hơn, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai công nghệ và cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn diện cho khách hàng”.

Theo báo cáo của Deloitte, các ngân hàng truyền thống mất trung bình từ 18 - 24 tháng để triển khai các sáng kiến công nghệ mới, còn các ngân hàng số chỉ cần từ 3 - 6 tháng để làm điều tương tự nhờ vào quy mô linh hoạt và cấu trúc tổ chức tinh gọn. Ngoài ra, khoảng 73% các giao dịch tại ngân hàng số được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, so với chỉ 38% tại các ngân hàng truyền thống.

Điều này cho thấy lợi thế về tốc độ và khả năng số hóa toàn diện của ngân hàng số. Với mô hình hoàn toàn số hóa, ngân hàng số không chỉ giúp người dùng tiếp cận dịch vụ tài chính một cách thuận tiện mà còn thúc đẩy việc chuyển đổi số trong toàn ngành ngân hàng, tạo ra sự thay đổi căn bản trong hành vi tài chính của người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng hiện đại ngày càng quen với việc thực hiện giao dịch trên điện thoại di động hoặc máy tính cá nhân. Khoảng 67% khách hàng ngân hàng thế hệ Millennials và Gen Z tại châu Á đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng ngân hàng trực tuyến, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Ngân hàng số không chỉ đáp ứng những kỳ vọng này mà còn dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số trong toàn ngành”, ông Hậu cho biết.

Ông Hậu nhấn mạnh, công nghệ sẽ là nhân tố chính định hình tương lai của ngân hàng số và cần được đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt vào AI, Blockchain, và Big Data để cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh và cá nhân hóa hơn.

Đồng thời, việc hợp tác với các công ty Fintech sẽ giúp ngân hàng số mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính, từ đó tạo ra các sản phẩm linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, để đạt được sự phát triển bền vững.

Ông Đoàn Hữu Hậu cho rằng, các ngân hàng số cần chú trọng đến việc quản lý rủi ro, tăng cường bảo mật và xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp ngân hàng số duy trì khách hàng hiện tại mà còn mở rộng đối tượng người dùng, bao gồm cả những khách hàng truyền thống còn đang dè dặt với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

“Tôi tin rằng trong 5-10 năm tới, ngân hàng số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi của kinh tế xã hội quốc gia nói chung và ngành tài chính nói riêng. Với chiến lược phát triển đúng đắn, ngân hàng số sẽ ngày càng chiếm lĩnh thị trường và trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai tài chính tại Việt Nam”.

Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn FPT Digital

Khách hàng lớn tuổi dần quen giao dịch qua ngân hàng số

Khách hàng lớn tuổi dần quen giao dịch qua ngân hàng số

Ngân hàng
(VNF) - Một chiến dịch thay đổi thói quen giao dịch tại quầy sang sử dụng kênh ngân hàng số được TPBank triển khai và nhân rộng đang hỗ trợ đắc lực cho khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi “bắt nhịp” với số hóa và công nghệ để giao dịch chủ động trên kênh số.
Cùng chuyên mục
Tin khác