'Sau thử thách, chỉ 1 - 2 Neobank có thể tồn tại'

Ngọc Thu - 05/07/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Neobank sẽ là câu chuyện của 5 - 10 năm nữa,là những ngân hàng của tương lai. Còn ở thời điểm hiện tại, Neobank sẽ khó phát triển và khó đạt được thành tựu nhất định.

Năm 2016, ngân hàng số (tạm gọi là Neobank) Timo đầu tiên được hình thành tại Việt Nam, đặt cột mốc quan trọng cho sự hình thành của một thế hệ ngân hàng mới.

Đây là mô hình ngân hàng không hoạt động dựa vào mạng lưới chi nhánh mà mọi hoạt động giao dịch đều diễn ra trên nền tảng số thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị có kết nối Internet.

Trong vòng 8 năm liên tiếp, nhiều Neobank được ra đời tại Việt Nam như TNEX, Cake, Omni… làm thị trường tài chính ngân hàng trở nên sôi động hơn với đa dạng mô hình hoạt động.

Ông Lưu Minh Sang – chuyên gia của Trường Đại học Kinh – Luật (UEL), Đại học Quốc gia TP. HCM, cho biết tại Việt Nam, các Neobank này đều thuộc sở hữu của các ngân hàng thương mại với tư cách một công ty con hoặc một phận của ngân hàng. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa một số ngân hàng với công ty Fintech hoặc công ty công nghệ.

Do đó, các Neobank ở Việt Nam đang hoạt động theo mô hình chính là trực thuộc các ngân hàng, một số thực sự có bản chất là một phiên bản nâng cấp và hợp nhất các tính năng của Internet banking và Mobile banking trước đây.

Ông Lưu Minh Sang cho rằng mô hình Neobank đúng nghĩa, hoạt động độc lập vẫn chưa xuất hiện.

Cạnh tranh và đào thải

Trong 8 năm qua, các Neobank đã gây được không ít dấu ấn trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Sự xuất hiện của Neobank đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng, khiến các ngân hàng truyền thống phải tự thay đổi trong dòng chảy số hoá. Neobank được các nhà phát triển đặt kỳ vọng trở thành tương lai của ngành ngân hàng, phù hợp với thị hiếu của người dùng trẻ, đặc biệt là GenZ và các thế hệ tiếp nối.

Tuy nhiên, ông Lưu Minh Sang cho biết, sự cạnh tranh trên thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, khi mà các ngân hàng truyền thống đang không ngừng cải tiến dịch vụ thông qua chuyển đổi số, “đi tắt đón đầu” trong cạnh tranh, đầu tư khá mạnh vào công nghệ để số hoá phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến với người dùng. Các ứng dụng ngân hàng số đang phát triển rất mạnh với đa dạng tính năng, độ tiện nghi cao với nhóm khách hàng truyền thống. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công ty Fintech, một sức ép không nhỏ đã được tạo nên cho hoạt động của các Neobank tại Việt Nam.

“Nếu Neobank không thực sự tạo nên những sự khác biệt về tính năng, dịch vụ, sản phẩm cũng như trải nghiệm người dùng thì rất khó cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống. Xét về mối tương quan giữa kênh phân phối số giữa các ngân hàng thương mại, dịch vụ của các công ty Fintech với các Neobank hiện nay ở Việt Nam thì có thể thấy chưa có nhiều sự khác biệt rõ nét tạo nên ưu thế riêng biệt cho các Neobank”, ông Lưu Minh Sang cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng, các ngân hàng truyền thống đang có nhiều lợi thế hơn, nguồn vốn mạnh hơn và tệp khách hàng lớn hơn nên nắm chắc phần thắng trong cuộc đua này. Để tồn tại lâu dài, các Neobank phải tìm được phân khúc ngách và phải đủ tiềm lực tài chính để có sức khoẻ cạnh tranh với nhóm ngân hàng truyền thống.

Vị chuyên gia này cho rằng mô hình Neobank thực thụ phải hoàn toàn số, không có các chi nhánh vật lý. Nếu các Neobank tại Việt Nam hoạt động đúng theo mô hình này, khả năng cao sẽ khó cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống vừa có dịch vụ online, vừa có chi nhánh, phòng giao dịch offline vì trình độ cũng như tỷ lệ người dân không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới.

“Neobank sẽ là câu chuyện của 5-10 năm nữa, là những ngân hàng của tương lai. Còn ở thời điểm hiện tại, Neobank sẽ khó phát triển và khó đạt được thành tựu nhất định. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải nuôi các ngân hàng này trong thời gian khá dài”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết. Theo ông, trong giai đoạn “chờ” này, sự đào thải và cạnh tranh sẽ diễn ra rất quyết liệt. Kết quả sẽ chỉ còn lại 1-2 Neobank có thể tồn tại, số còn lại có thể sẽ bỏ cuộc theo xu hướng chung của các cuộc chơi công nghệ trên thị trường.

Không thể mãi im lặng và quan sát

Sau giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, các Neobank mạnh nhất còn tồn tại được dự báo sẽ thống lĩnh thị trường và trở thành thế hệ ngân hàng tiếp theo dành cho người dùng trẻ. Tuy nhiên, để hoạt động đúng với mô hình là ngân hàng thuần số, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý cho các Neobank thay vì hoạt động dưới vai trò một bộ phận, một công ty con của ngân hàng truyền thống.

Chuyên gia kinh tế Lưu Minh Sang cho rằng cơ quan quản lý cần mạnh dạn cho phép áp dụng sandbox (cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát) cho việc thành lập các Neobank chuyên biệt, độc lập với ngân hàng, không thể tiếp tục chiến lược im lặng và quan sát mà cần chuyển dịch sang chế độ thử nghiệm và học hỏi, từ đó đúc kết các kinh nghiệm thực tiễn, phát hiện các rủi ro để làm vật liệu xây dựng khung pháp lý chính thức trong tương lai.

Theo ông Sang, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực sắp tới đây đều không có quy định điều chỉnh vấn đề cấp phép cũng như hoạt động của Neobank. Mặc dù, trong những phiên bản đầu của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có đề cập đến ngân hàng số, nhưng sau đó các nội dung này đã bị bỏ ra khỏi dự luật.

Dự thảo nghị định về sandbox đối với Fintech cũng không có quy định về Neobank. Do đó, khả năng cấp phép cho Neobank với tư cách một chủ thể độc lập với các ngân hàng thương mại dường như khó xảy ra trong tương lai gần. Tình trạng này được đánh giá là tạo nên khá nhiều rào cản trong việc triển khai các hoạt động cũng như cung cấp dịch vụ, sản phẩm của của Neobank đến với khách hàng. Khoảng trống pháp lý này tạo rủi ro cho chính các Neobank cũng như cho người dùng, từ đó có thể tạo nên những rào cản tâm lý đối với người dùng.

“Sự thận trọng của nhà làm luật cũng như cơ quan quản lý tại Việt Nam có ý nghĩa trong việc kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động của Neobank. Bởi lẽ Neobank là một mô hình kinh doanh mới, với nhiều rủi ro mà cơ quan quản lý chưa thể lường trước nên chưa thể định hình khung pháp lý điều chỉnh”, ông Lưu Minh Sang cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, việc kiểm soát rủi ro ở một số công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính được đánh giá là rất kém. Các Neobank phải được đối xử như các ngân hàng thương mại độc lập, phải có bộ phận quản lý rủi ro và phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, phải tuân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm với chuyên gia Lưu Minh Sang, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Neobank là một mô hình mới và chứa đựng khá nhiều rủi ro, do đó việc kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý.

Neobank: Tương lai ngân hàng số tại Việt Nam

Neobank: Tương lai ngân hàng số tại Việt Nam

Ngân hàng
(VNF) - Các neobank có thể dự đoán tốt hơn những gì khách hàng của họ cần ngay bây giờ hay trong tương lai, từ đó mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, kích hoạt lòng trung thành và gia tăng doanh thu.
Neobank - mô hình ngân hàng số tương lai

Neobank - mô hình ngân hàng số tương lai

Ngân hàng
(VNF) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều ngân hàng Việt chuyển đổi số ở tốp đầu đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt trước mục tiêu đề ra là 70% vào năm 2025.
Chiến lược số giúp ngân hàng làm chủ cuộc chơi trong thời đại Neobank

Chiến lược số giúp ngân hàng làm chủ cuộc chơi trong thời đại Neobank

Ngân hàng
(VNF) - Xu hướng gia tăng trải nghiệm, sự phát triển của các công ty Fintech hay sự ra đời của các Neobank đang tạo nên cuộc đua khốc liệt. FPT IS và Temenos đã chỉ ra góc tiếp cận tối ưu cùng các lãnh đạo ngân hàng.
Cùng chuyên mục
Tin khác