Tài chính quốc tế

Thập kỷ thống trị sản xuất iPhone của Trung Quốc sắp kết thúc?

(VNF) - Sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất iPhone hàng đầu của Apple có thể sẽ chấm dứt khi các cơ sở thay thế của Ấn Độ gia tăng sản lượng.

Đa dạng hoá sản xuất khỏi Trung Quốc

Hãng tin Bloomberg hồi tuần trước dẫn số liệu cho thấy “gã khổng lồ" công nghệ Mỹ hiện sản xuất tới 14% số thiết bị hàng đầu của họ tại Ấn Độ, trong đó sản lượng sản xuất iPhone ở Ấn Độ tăng gấp đôi so với năm trước.

Công nhân tại một nhà máy Foxconn tại huyện Zhongmu, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Chuyên gia Anirudh Suri, một thành viên không thường trú tại văn phòng New Delhi của Carnegie Endowment, tin rằng Apple sẽ tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc.

“Việc di chuyển hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một yêu cầu địa chính trị đối với các công ty như Apple. Các cổ đông sẽ lên án họ nếu họ không đa dạng hóa và bị vướng vào các cuộc xung đột địa chính trị hơn nữa, vì cuộc xung đột Mỹ-Trung sẽ không sớm kết thúc”, ông Anirudh Suri nhận định.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngay khi ông lên nắm quyền, điều này đã gây áp lực lên các cơ sở sản xuất truyền thống của Apple tại nước này. Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các hạn chế về công nghệ đối với các công ty Trung Quốc, tạo ra sự cạnh tranh địa chính trị với Bắc Kinh.

Mặc dù Washington cho biết họ không muốn tách hoàn toàn chuỗi cung ứng công nghệ khỏi Trung Quốc nhưng họ đã tìm cách giảm sự phụ thuộc lẫn nhau trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông. Do lo ngại về an ninh quốc gia, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu và giới hạn đầu tư, trong khi Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến bộ công nghệ trong nước.

Nhưng địa chính trị không phải là yếu tố duy nhất buộc Apple phải chuyển hướng sang các nước khác. Các công ty Mỹ đã tăng cường hợp tác với các công ty như Foxconn của Đài Loan, Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), để sản xuất iPhone, Macbook và các sản phẩm khác của Apple. Trong hai thập kỷ qua, Apple đã hợp tác với Foxconn, nhưng giá thành của những sản phẩm này đã tăng lên trong những năm gần đây. Vì vậy, lợi nhuận là một áp lực khác, ngoài vấn đề địa chính trị, đang thúc đẩy Apple tìm kiếm địa điểm sản xuất mới.

Ấn Độ chớp thời cơ

Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng khai thác triệt để các cơ hội. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, New Delhi đang đưa ra các chương trình sinh lợi để thu hút các công ty như Apple, bao gồm cả Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, đây được xem là “một củ cà rốt vàng” trị giá 26 tỷ USD cho các công ty trong 14 lĩnh vực.

Một nhân viên kiểm tra chất lượng camera của iPhone trên dây chuyền lắp ráp tại một đơn vị của Foxconn Technology, ở Sri City, Andhra pradesh, Ấn Độ.

Các khoản đầu tư của Apple vào Ấn Độ đã bắt đầu mang lại kết quả khi xuất khẩu sản phẩm của họ từ nước này đang gia tăng.

Hãng thông tấn Press Trust của Ấn Độ trích dẫn dữ liệu của công ty dữ liệu The Trade Vision cho hay: “Xuất khẩu iPhone của Apple từ Ấn Độ gần như tăng gấp đôi lên 12,1 tỷ USD trong năm 2023-2024 từ mức 6,27 tỷ USD trong năm tài chính trước đó”.

“Ấn Độ đang nỗ lực mở rộng cơ sở sản xuất của mình và các công ty như Apple thực sự muốn mở rộng mạng lưới sản xuất ở nước này. Sự ổn định chính trị, khuyến khích sản xuất cấp nhà nước (các bang như Tamil Nadu đã tích cực thu hút các công ty như Apple) và sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề càng làm tăng thêm sức hấp dẫn. Tất nhiên, Apple không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ, nên việc thêm một cơ sở như Ấn Độ là điều hợp lý”, The Trade Vision nhận định.

Trung Quốc chiếm 20% doanh số bán hàng của Apple trên toàn cầu, khiến nước này trở thành một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm Apple lớn nhất. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc đang giảm khi người tiêu dùng địa phương chuyển sang các thương hiệu di động nội địa.

Apple báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý IV năm ngoái giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu ở khu vực Trung Quốc đại lục, bao gồm Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, giảm xuống còn 20,8 tỷ USD, theo SCMP.

Xem thêm >> Mỹ liên tục đe doạ, Trung Quốc giảm xuất khẩu sang Nga

Tin mới lên