Thâu tóm Whole Foods, CEO Amazon sắp thành người giàu nhất thế giới

Hồ Mai - 20/06/2017 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon (53 tuổi) đang nắm trong tay khối tài sản 84,6 tỷ USD và chỉ còn khoảng 5 tỷ USD nữa là vượt tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates.

Chi 13,7 tỷ USD thâu tóm chuỗi siêu thị thực phẩm sạch Whole Foods

Thương vụ tập đoàn thương mại điện tử Amazon mua lại chuỗi siêu thị nông sản hữu cơ Whole Foods trị giá lên tới 13,7 tỷ USD đang là "cơn địa chấn" đối với ngành thực phẩm thế giới.

Với giá trị 13,7 tỷ USD, đây là thỏa thuận thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của Amazon, đồng thời cũng là một trong những thương vụ lớn nhất lịch sử của ngành siêu thị Mỹ.

Thương vụ này thực chất là một phần thỏa thuận sát nhập, đó là Amazon sẽ chi trả toàn bộ những khoản nợ ròng của mạng lưới siêu thị này, đồng thời mua cổ phiếu của họ với giá 42USD/phiếu. Các cửa hàng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động dưới cái tên Whole Foods một khi quá trình chuyển nhượng được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, thế nhưng họ phải tuân thủ theo các điều khoản mà những cổ động đưa ra.

"Hàng triệu người yêu thích chuỗi siêu thị Whole Foods bởi họ là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sạch và hữu cơ tốt nhất trên thị trường, và việc ăn uống lành mạnh trở nên thú vị hơn nhờ có Whole Foods", Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon cho biết. 

Amazon và Whole Foods dự kiến kết thúc thương vụ mua lại vào nửa cuối năm 2017.

Whole Foods là chuỗi siêu thị Hoa Kỳ chuyên về thực phẩm không chất bảo quản, màu sắc, hương vị, chất làm ngọt và chất béo hydro hóa. Họ cũng là tiệm tạp hóa hữu cơ được chứng nhận đầu tiên ở Hoa Kỳ, nghĩa là Whole Foods bảo đảm các tiêu chuẩn của Chương trình Hữu cơ Quốc gia. Cửa hàng đầu tiên mở cửa vào ngày 20/9/1980, tại Austin, Texas, và đây cũng đồng thời là trụ sở hiện tại. Tính đến thời điểm tháng 9/2015, hãng này có 91.000 nhân viên và 431 siêu thị ở Hoa Kỳ, Canada, và Anh Quốc, và có văn phòng mua sắm sản phẩm chính tại Watsonville, California.

Whole Foods là chuỗi siêu thị Hoa Kỳ chuyên về thực phẩm sạch.

Việc Amazon mua lại Whole Foods cũng cho thấy lập trường của người khổng lồ thương mại điện tử về một cuộc chiến trong dài hạn với Wallmart, nhà bán lẻ thực phẩm và hàng tạp hóa lớn nhất ở Mỹ. Wallmart hiện đang gặp khó khăn trong việc chạy đua với các cửa hàng mua sắm trực tuyến.

Hôm thứ Sáu 16/6, Wallmart cũng công bố thương vụ mua lại hãng bán lẻ quần áo trực tuyến Bonobos với giá 310 triệu USD. Năm ngoái, Wallmart đồng ý thanh toán 3,3 tỷ USD cho trang web thương mại điện tử Jet.com và để giám đốc điều hành của Jet, Marc Lore quản lý việc kinh doanh thương mại điện tử chung của Wallmart.

Thương vụ này sẽ nâng tầm cho Amazon, nhưng có thể khiến các nhà bán lẻ lo ngại, khi mà Amazon vốn đã thống lĩnh mọi ngóc ngách của thương mại điện tử và đang sử dụng quyền lực của mình để áp đặt các điều khoản, cũng như mức giá đối với rất nhiều mặt hàng quan trọng tại Mỹ.

Thu hẹp khoảng cách với người giàu nhất hành tinh Bill Gates

Nhờ vào giá cổ phiếu Amazon tăng đột biến sau tuyên bố mua lại Whole Foods – tổng tài sản của Bezos đã tăng thêm 1,8 tỷ USD. Bezos hiện nắm khối tài sản 84,6 tỷ USD và chỉ còn khoảng 5 tỷ USD nữa ông có thể vượt mặt Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới. Nhiều khả năng cuộc "đổi ngôi" ngày sẽ diễn ra nhanh chóng. 

Theo phóng viên tài chính kỳ cựu Ben Walsh đây là một trường hợp ngoại lệ. Bình thường, giá cổ phiếu công ty đi thâu tóm sẽ giảm sau những thương vụ lớn nhưng Amazon thì ngược lại. Điều này chỉ có thể được giải thích rằng các nhà đầu tư dường như đang tin tưởng chắc chắn sẽ có một điều gì đó xảy ra với Amazon? 

Tháng 3 vừa qua, Bezos chính thức trở thành người giàu thứ hai thế giới sau Bill Gates với giá trị tài sản ròng hơn 81 tỷ USD. 20 năm sau khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, Amazon có mức vốn hóa thị trường là 457 tỷ USD. Công ty điều hành tài chính thế giới Barclays dự đoán Amazon sẽ tiến lên thành công ty đầu tiên trị giá nghìn tỷ USD.

CEO Amazon Jeff Bezos.

Thỏa thuận đang gây tranh cãi với Whole Foods đã củng cố thêm đà phát triển thần kỳ của Amazon, từ một nhà bán lẻ sách trực tuyến vào những năm 1990, đã vươn lên thành một tập đoàn bán lẻ đa dạng với những ưu thế vượt trội trong các chuỗi cung ứng và hậu cần.

Doanh thu của Amazon đã tăng từ 34 tỷ USD trong năm 2010 lên 136 triệu USD trong năm 2016.

Thương vụ thâu tóm Whole Foods không chỉ giúp Jeff Bezos thu hẹp khoảng cách với người giàu nhất thế giới Bill Gates mà nếu thành công, sẽ được xem như một "cơn địa chấn" đối với ngành thực phẩm thế giới khi tạo lợi thế vô cùng lớn cho Amazon, kết hợp được thế mạnh khổng lồ của hãng trên thị trường mua sắm trực tuyến và kinh nghiệm quý giá hàng chục năm của Whole Foods ở mảng thực phẩm.

Có thể tóm gọn trạng thái hiện giờ của Amazon là: EVERYTHING STORE – tức là một cửa hàng bán mọi thứ. Không chỉ là bán hàng hoá, Amazon thậm chí còn sản xuất ra chúng; không chỉ phân phối nội dung truyền thông qua hệ thống server sẵn có, Amazon còn cho những đơn vị khác thuê lại.

Giữa lúc nhiều "đại gia" bán lẻ đang điêu đứng, lần đầu tiên, một chuỗi siêu thị thực phẩm phi điện tử lại lấn sân sang thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Ở chiều ngược lại, với sự nhúng tay vào thị trường thực phẩm, Amazon được kì vọng sẽ giúp cải thiện quá trình giao hàng cũng như mang lại một mức giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một khối lượng đáng kinh ngạc quyền lực kinh tế đang tập trung vào Amazon và điều đó khiến các công ty khác trong lĩnh vực bán lẻ khó cạnh tranh mà rộng hơn nữa là cả nền kinh tế Mỹ.

Tất cả những điều đó khiến nhiều chuyên gia cũng như nhà phân tích băn khoăn rằng liệu Amazon có phải là một kẻ độc quyền.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.