Thị trường

Thay đổi chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng

(VNF) - Trong buổi chia sẻ với các chuyên gia kinh tế do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức dưới bối cảnh nền kinh tế trong nước hồi phục cầm chừng, rất nhiều biện pháp và đề xuất đã được thảo luận nhằm cải thiện tăng trưởng trong tương lai gần.

Thay đổi chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức sự kiện về kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi về chính sách thuế để cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Nội dung sự kiện bao gồm những chia sẻ của các chuyên gia về bối cảnh chung của nền kinh tế; các vấn đề về chính sách tài khoá, phản biện và bình luận; đồng thời có những tham vấn chính sách về cải cách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt; cải cách thể chế và tài chính công...

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho biết nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn trên con đường hồi phục do nhiều yếu tố bất lợi về địa chính trị, lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính cao hơn. Những điều này cũng ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong nước, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại.

Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Chính phủ hướng tới việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế nhằm ổn định thị trường, cải thiện nguồn thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ đối với phát triển bền vững và an sinh xã hội.

Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).

Chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS nhận định tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại, trong khi tốc độ tăng trưởng ngắn hạn biến động mạnh hơn. Tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu đạt 4,2%, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra.

Sản xuất công nghiệp suy giảm, tiêu dùng tăng trưởng chậm lại, lĩnh vực bất động sản yếu kém là những yếu tố chính khiến nền kinh tế chưa thể bứt phá, trong khi đầu tư công và FDI là những điểm sáng hiếm hoi. Lĩnh vực xuất khẩu cải thiện dần song dự kiến sẽ còn bị ảnh hưởng từ sự khó khăn của kinh tế Mỹ và EU. 

Theo ông Phạm Thế Anh, mặc dù lạm phát cơ bản đã giảm nhưng tốc độ giảm chậm, nhưng cần chú ý lạm phát tổng thể có dấu hiệu tăng trở lại do giá nhiên liệu, giá điện/nước tăng, giá lương thực tăng, tỷ giá tăng và do bị ảnh hưởng bởi các xung đột chính trị. 

Do đó, ông Phạm Thế Anh cho rằng xu hướng chính sách sắp tới là tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng, nhưng phải cẩn trọng hơn với lạm phát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần, trong khi chính sách tài khóa có thể được tận dụng để hỗ trợ kinh tế hồi phục. 

Trong dài hạn, nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào kênh tín dụng, do thị trường trái phiếu mất nhiều thời gian để hồi phục. Trong khi đó, lãi suất huy động đang ở vùng đáy, khó giảm thêm.

Cũng trong buổi chia sẻ, PGS. TS. Vỹ Sỹ Cường, Chuyên gia Tài chính công, Phó trưởng bộ môn Phân tích Chính sách Tài chính thuộc Học viện Tài chính, cũng đưa ra ý kiến về một số biện pháp cải thiện chính sách tài khóa thông qua các biện pháp điều chỉnh thuế. 

Theo ông Vỹ Sỹ Cường, so với các quốc gia mới nổi khác ở châu Á thì Việt Nam dựa nhiều vào các sắc thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế xuất nhập khẩu, trong khi cơ cấu thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản và thuế tiêu thụ đặc biệt còn nhỏ. 

Gợi ý về một số biện pháp cải cách thuế trong giai đoạn 2023, PGS. TS. Vỹ Sỹ Cường đề xuất cải cách thuế giá trị gia tăng, xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá, bia, rượu, tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, cũng như mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm.

Xem thêm >> Cựu chủ tịch Khánh Hòa bị kê biên loạt tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng

Tin mới lên