‘Thế cờ khó’ của những gã khổng lồ thống trị thị trường nội địa

Thanh Long - 15/07/2018 08:02 (GMT+7)

(VNF) – Nhiều doanh nghiệp thống trị thị trường nội địa đang rơi vào thế bí trong việc tìm và “nuôi lớn” động lực tăng trưởng mới.

VNF
Động lực tăng trưởng mới đang là bài toán nan giải đối với Vinamilk.

Thống trị thị trường là vị thế mà doanh nghiệp nào cũng muốn có. Nhưng khi thị trường đã bão hòa, kéo theo tăng trưởng đạt đến điểm tới hạn thì việc mở một lối đi mới ở một ngành khác hay vươn mình ra nước ngoài gần như là 2 lựa chọn duy nhất để tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, cả 2 lựa chọn này đều khó khăn.

Vinamilk – “ông vua” ngành sữa Việt Nam với gần 60% thị phần sữa trong nước – đang cố gắng tìm cách vực lại tốc độ tăng trưởng. Dù vậy, đến nay vẫn chưa thấy một chiến lược rõ ràng nào được công bố.

Năm 2018, Vinamilk chỉ đặt mục tiêu doanh thu tăng 8,5%; trong khi giai đoạn 2012 – 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,5%. Tương tự, lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2018 chỉ tăng 4,6%; trong khi giai đoạn 5 năm trước là 12%/năm.

Mở lối đi mới ở một ngành khác có lẽ không phải là lựa chọn của ban lãnh đạo Vinamilk. Việc thâu tóm Công ty Chế biến dừa Á Châu và Công ty Đường Khánh Hòa đơn thuần chỉ là để Vinamilk tự chủ hơn trong khâu nguyên liệu, đồng thời phục vụ sản xuất sản phẩm mới bổ sung vào các chuỗi sản phẩm hiện tại, chẳng hạn như sản phẩm nước dừa bổ sung vào chuỗi sản phẩm nước giải khát vốn nổi tiếng với thương hiệu Vfresh và thương hiệu ICY.

Trong khi đó, “cú bắt tay” với Dược Hậu Giang mới chỉ là động thái “ném đá dò đường”, nghiên cứu một trong nhiều hướng đi mới dưới sự kết nối từ “ông chủ chung” SCIC. Nếu thực sự “ông trùm” ngành hàng tiêu dùng nhanh Vinamilk muốn dấn thân vào ngành dược phẩm thì giới đầu tư chắc chắn sẽ phải chứng kiến một thương vụ M&A rất lớn trong ngành này, thay vì chỉ hợp tác.

Lựa chọn “tiến quân” ra thị trường nước ngoài cũng không hề dễ dàng với Vinamilk bởi rào cản rất lớn về thuế và kênh phân phối. Theo tiết lộ mới đây từ đại diện truyền thông Vinamilk, công ty này đã có một kế hoạch chi tiết với thị trường Myanmar.

Dù kế hoạch có chi tiết thế nào, phương án đột phá ra sao thì chắc chắn việc triển khai sẽ mất nhiều năm và chưa thể đem lại dòng tiền lớn ngay trong vài năm tới, phần vì việc xây dựng kênh phân phối cần thời gian dài, phần vì nhu cầu thị trường vẫn đang trong giai đoạn phải chi tiền khai phá.

Và cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, “đem chuông đi đánh xứ người” chưa bao giờ là dễ dàng bởi “luật chơi” do nước sở tại đặt ra.

Ở tình cảnh có phần tương tự, “ông trùm” ngành bán lẻ - Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – cũng đang loay hoay với động lực tăng trưởng. Theo dự báo, chỉ vài năm tới, chuỗi Điện máy Xanh cũng sẽ “tiếp bước” chuỗi Thế giới di động đạt đến điểm tới hạn về quy mô và công ty này đang đặt niềm tin vào chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh.

Khó khăn đã lộ rõ khi MWG xâm nhập vào phân khúc bán lẻ rất khác biệt này. Việc không đạt được doanh thu cần thiết do sai lầm về chiến lược đặt vị trí cửa hàng đã buộc MWG phải giảm lượng cửa hàng Bách hóa Xanh mục tiêu cuối năm 2018 xuống còn 500, bằng một nửa so với kế hoạch trước đó.

Những điều chỉnh gần đây về cách đặt vị trí (tập trung mở tại các trục đường dẫn vào khu dân cư thay vì đi sâu vào khu dân cư) đã bước đầu cho kết quả tích cực hơn khi doanh thu của nhiều cửa hàng mở mới đã vượt mục tiêu 1 tỷ đồng/tháng.

Trước mắt, chuỗi Bách hóa Xanh vẫn sẽ phải tiếp tục chịu lỗ, đồng thời vẫn sẽ có nhiều cửa hàng đặt sai vị trí và phải tái định vị.

Xa hơn, kể cả khi Bách hóa Xanh tìm được “công thức hiệu quả” tại thị trường TP. HCM thì vẫn cần lưu ý rằng, song song với việc thay đổi thói quen từ đi chợ truyền thống sang đi “chợ hiện đại” kiểu như Bách hóa Xanh, một phần rất lớn người dân cũng thay đổi thói quen sang đi siêu thị với nhiều lựa chọn hơn, nghĩa là sức ép cạnh tranh luôn duy trì.

Thậm chí, sức ép từ Bách hóa Xanh có thể tạo áp lực khiến mô hình chợ truyền thống buộc phải tự cải thiện mình và tạo sức ép ngược trở lại Bách hóa Xanh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Bách hóa Xanh có thể không thống trị như những gì đang làm với ngành bán lẻ điện máy nhưng với “miếng bánh” 70 tỷ USD của ngành thực phẩm, chỉ cần chiếm lĩnh được 5% thị phần thì đã đạt được doanh thu trên 70.000 tỷ. Mục tiêu của MWG hẳn phải cao hơn nhiều con số 5% giả định này.

Bách hóa Xanh đang nhắm đến "miếng bánh" 70 tỷ USD của ngành thực phẩm

Một doanh nghiệp thống trị nội địa khác là FPT đang lựa chọn vươn mình ra nước ngoài, trong bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé và manh mún, nhất là thị trường Chính phủ phần nào đã bão hòa.

Tập đoàn này đang thoái dần vốn tại “con cưng” FPT Retail – doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng điện máy đình đám FPT Shop, để tập trung vào thế mạnh cốt lõi là công nghệ thông tin, đặc biệt là mảng phần mềm.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2018, có thể thấy FPT đang gặt hái được những thành quả ban đầu sau một thời gian dài chuẩn bị nguồn lực và tiếp cận thị trường phần mềm thế giới. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế lĩnh vực xuất khẩu phần mềm trong 5 tháng đầu năm đạt 441 tỷ đồng, tăng 27%.

Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lợi nhuận trước thuế năm 2019 của FPT sẽ đạt 3.390 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018. Mặc dù mức tăng này cao hơn so với trung bình nhiều năm trước, tuy nhiên vẫn không phải là mức tăng ấn tượng.

Xuất khẩu phần mềm, hay gia công phần mềm có một đặc điểm: phụ thuộc vào hợp đồng gia công. Điều này tương tự như các doanh nghiệp thầu xây dựng, kiểu như Coteccons hay Hòa Bình.

Mấu chốt, cũng là rủi ro của loại hình kinh doanh này là nguồn lực. Hợp đồng càng lớn càng cần nhiều nguồn lực. Với các doanh nghiệp thầu xây dựng là nguồn lực tài chính, còn đối với FPT là nguồn lực con người. Tình hình nhân lực công nghệ tại Việt Nam, cả về lượng và chất, là khó có thể đáp ứng đủ cho FPT nếu tập đoàn này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mảng xuất khẩu phần mềm trong nhiều năm tới.

Trong một động thái mới đây, FPT đã mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting – một công ty tư vấn công nghệ của Mỹ với giá mua khoảng 40 – 50 triệu USD, tương đương trên dưới 1.000 tỷ đồng.

Thương vụ này một mặt đem lại cho FPT thêm một đầu mối kinh doanh tại thị trường Mỹ với khoảng 200 khách hàng lớn mà Intellinet Consulting đang phục vụ, mặt khác cung cấp cho tập đoàn này 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu, giải quyết một phần vấn đề nhân lực.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.