Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Bất ổn lan rộng ở châu Âu, Nhật - Hàn cải thiện quan hệ

(VNF) - Trong tuần từ 26/6 - 1/7, bên cạnh những diễn biến mới liên quan tới cuộc binh biến tại Nga, bất ổn chính trị đã bùng nổ tại Pháp. Trong khi bầu không khí căng thẳng lan rộng tại châu Âu, thì tại châu Á, hai cường quốc kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc đã có bước tiến mới trong thương mại, cải thiện mối quan hệ song phương.

Thế giới tuần qua: Bất ổn lan rộng ở châu Âu, Nhật - Hàn cải thiện quan hệ

Một sĩ quan cảnh sát trên đường phố Pháp sau cơn bạo loạn.

Bất ổn chính trị tại Pháp

Tiêu điểm thế giới tuần qua tạm chuyển tới nước Pháp, khi quốc gia này bị rung chuyển bởi làn sóng biểu tình sau cái chết của Nahel Merzouk, một thanh niên 17 tuổi gốc Algeria, bị bắn chết bởi một sĩ quan cảnh sát ở Nanterre hồi đầu tuần. 

Cái chết của thanh niên này đã khơi lại một cuộc tranh luận về việc trị an trong các cộng đồng bị thiệt thòi ở Pháp và đặt ra câu hỏi liệu chủng tộc có phải là một yếu tố dẫn đến cái chết của nam thanh niên 17 tuổi hay không.

Do đó, trên khắp nước Pháp, các cuộc biểu tình và bạo loạn liên tục lan rộng trong suốt tuần qua, bất chấp việc chính phủ đã triển khai gần 50.000 sĩ quan cảnh sát để giải quyết vụ việc. 

Tình hình đặc biệt căng thẳng tại nhiều thành phố lớn thủ đô Paris, Lyon, Bordeaux, Montpellier, Toulouse... buộc chính quyền ra lệnh cấm tụ tập biểu tình. Những thông điệp kích động biểu tình bạo loạn vẫn đang tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội.

Theo thông tin ngày 1/7 từ Bộ Nội vụ Pháp, 1.311 người đã bị giam giữ sau 4 đêm bạo lực, 2.560 vụ cháy đã được báo cáo trên các địa điểm công cộng. 79 cảnh sát và hiến binh đã bị thương trong suốt đêm 30/6 khi cố ngăn chặn bạo động và có 58 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát và hiến binh.

Bộ Nội vụ Pháp đã yêu cầu dừng mọi hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng trên toàn quốc sau 21h địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời khuyến cáo các thị trưởng ra sắc lệnh cấm bán và vận chuyển các loại pháo cối, can xăng, a xít, các chất hoá học và dễ gây cháy. Một số thành phố tại Pháp hiện đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rút ngắn việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Bỉ để về nước chủ trì cuộc họp an ninh khẩn cấp nhằm ứng phó với tình trạng bạo loạn.

Ông tuyên bố sẽ dừng các hoạt động đông người để ngăn ngừa bạo động, đồng thời kêu gọi các phụ huynh ngăn chặn con em mình tham gia bạo loạn. Người đứng đầu nước Pháp cũng yêu cầu các mạng xã hội như Tiktok hay Snapchat chặn các nội dung và hình ảnh nhạy cảm.

Những cuộc bạo loạn tại Pháp chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dư âm từ cuộc nổi loạn của Wagner tại Nga

Cuối tuần trước, tin tức tập đoàn đánh thuê Wagner tiến hành binh biến trở thành tin tức bùng nổ trên các phương tiện truyền thông và vẫn tiếp tục duy trì được sức nóng trong tuần này.

Sáng 24/6, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã đưa các đội hình xe bọc thép của mình tham gia cuộc hành quân 1.000 km tiến về Moscow, tuyên bố đã áp sát trong vòng 200 km và gây ra báo động ở Điện Kremlin. 

Ở trong và bên ngoài nước Nga đã chuẩn bị tâm lý cho kịch bản xảy ra giao tranh giữa lực lượng Wagner và quân đội Nga, tức là kịch bản nội chiến ở Nga.

Tuy nhiên, chưa đầy 24h sau cuộc binh biến bất ngờ, ông Prigozhin ra lệnh cho các cựu chiến binh thiện chiến của mình quay trở lại, nói rằng ông không muốn làm đổ máu người Nga. 

Chính phủ Nga cho biết đã đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc binh biến và thủ lĩnh của lực lượng nổi loại sẽ lưu vong ở Belarus. Belarus được coi là đã đóng vai trò trung gian hoà giải cho giải pháp nói trên.

Rạn nứt trong mối quan hệ giữa Wagner và quân đội Nga đã bộc lộ từ khá lâu, nhưng vụ nổi loạn này dường như vượt quá khả năng dự báo của Nga cũng như phương Tây. Đây có thể coi là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Nga hàng chục năm qua.

Giới quan sát cho rằng, vụ nổi loạn của Wagner sẽ tác động đáng kể, thậm chí thay đổi cục diện xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine. Họ lập luận, ở mức độ nào đó, hỗn loạn nội bộ có thể khiến lực lượng Nga mất tập trung, mất tinh thần và Ukraine có thể tận dụng để đẩy mạnh phản công.

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới 

Từ ngày 26 - 29/6, tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, Hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã diễn ra với việc nêu bật tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác trước những thách thức toàn cầu.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, hơn 1.500 đại biểu gồm các quan chức chính phủ, giới doanh nghiệp, học giả và đại diện các tổ chức quốc tế đã thảo luận nhiều chủ đề gồm trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, rủi ro nợ, tăng trưởng chậm lại và khoảng cách giàu nghèo.

Hội nghị WEF Thiên Tân là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos. Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự đông đảo của hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo cấp Thủ tướng/Bộ trưởng 21 quốc gia, lãnh đạo đến từ 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu

. Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados.

Trong các bài phát biểu của mình tại các sự kiện, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chiến lược, mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam; đồng thời nêu các trở ngại kinh tế quan trọng nhất mà Việt Nam và kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận toàn dân để ứng phó.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Nhật Bản - Hàn Quốc cải thiện quan hệ song phương

Ngày 27/6, Nhật Bản đã công bố quyết định đưa Hàn Quốc trở lại “Danh sách trắng” - các đối tác thương mại đáng tin cậy, đánh dấu việc kết thúc tranh chấp thương mại giữa 2 nước kéo dài suốt 4 năm, một động thái mới nhất nhằm cải thiện quan hệ kinh tế song phương.

Trước đó, ngày 24/6, Seoul cũng chính thức đưa Nhật Bản trở lại "Danh sách trắng". Động thái này của Hàn Quốc đưa Nhật Bản trở lại danh sách 29 quốc gia được đối xử ưu đãi trong thương mại, bao gồm Mỹ, Pháp và Anh.

Năm 2019, Hàn Quốc đã đưa Nhật Bản ra khỏi “Danh sách trắng” sau khi Tokyo loại bỏ Seoul khỏi danh sách nhằm đáp trả phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu 2 công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tháng trước, hai bên đã cam kết khôi phục danh sách thương mại sau khi Chính phủ Hàn Quốc chính thức công bố kế hoạch bồi thường cho hơn 10 nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ công do Seoul hậu thuẫn, thay vì nhận thanh toán trực tiếp từ các công ty Nhật Bản có trách nhiệm.

Apple đạt mốc vốn hoá 3.000 tỷ USD 

Vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, Apple đã một lần nữa làm nên lịch sử khi trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt cột mốc giá trị vốn hoá trên 3.000 tỷ USD.

Cổ phiếu công ty tăng thêm 2,3% và đóng cửa ở mức 193,97 USD sau khi đạt kỷ lục 194,48 USD trong phiên 30/6, giúp nhà sản xuất iPhone một lần nữa chạm tay vào "giấc mơ" 3.000 tỷ sau khi để vuột mất cột mốc này 1 lần hồi đầu năm 2022.

Tính từ đầu năm, cổ phiếu Apple đã tăng 49%, được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Fed sắp kết thúc chiến dịch tăng lãi suất và bởi sự lạc quan về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI). Giá trị công ty cũng tăng vượt trội kể từ sau khi cho ra mắt tai nghe thực tế tăng cường vào đầu tháng 6.

Trước đó, báo cáo quý gần đây nhất của Apple vào tháng 5 cho thấy doanh thu và lợi nhuận giảm nhưng vẫn đánh bại kỳ vọng của các nhà phân tích. Cùng với thành tích mua lại cổ phiếu ổn định, kết quả tài chính đã củng cố danh tiếng của công ty như một khoản đầu tư an toàn vào thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn.

"Đó là minh chứng cho một trong những công ty giao dịch đại chúng lớn nhất từng tồn tại. Công ty tiếp tục phát triển và đa dạng hóa nguồn doanh thu, quản lý thân thiện với cổ đông, mua lại cổ phiếu, chia cổ tức và có bảng cân đối kế toán vững chắc và có thể bảo vệ được dòng tiền”, Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Wealth cho biết.

Xem thêm >> Túi xách siêu nhỏ: Bé hơn hạt muối nhưng giá bán đắt ngang căn hộ

Tin mới lên