Thế giới tuần qua: Xiaomi kiện chính phủ Mỹ, Anh cấp thị thực đặc biệt cho công dân Hong Kong

Minh Đăng - 30/01/2021 10:14 (GMT+7)

(VNF) - Xiaomi kiện chính phủ Mỹ sau khi bị liệt vào danh sách đen quốc phòng, Anh cấp thị thực đặc biệt cho công dân Hong Kong sau luật an ninh mới, Texas khởi kiện chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, WHO bắt đầu điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 ở Vũ Hán là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Xiaomi kiện chính phủ Mỹ sau khi bị liệt vào danh sách đen quốc phòng.

Xiaomi kiện chính phủ Mỹ

Nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới Xiaomi ngày 29/1 đã nộp đơn kiện Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Mỹ, sau khi bị đưa vào danh sách đen quốc phòng của nước này.

Trong đơn kiện, Xiaomi cáo buộc hành động Mỹ đưa công ty này vào danh sách đen là "trái pháp luật" và muốn tòa án đảo ngược quyết định trên.

Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 14/1 đã đưa thêm 9 doanh nghiệp của Trung Quốc vào danh sách đen về quốc phòng, trong đó có Xiaomi.

Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ không được phép góp vốn vào Xiaomi cũng như bị cấm mua cổ phiếu của công ty này, những người đã đầu tư sẽ phải thoái vốn hiện có trước ngày 11/11.

Xiaomi ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc có liên quan tới ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đồng thời khẳng định sẽ có các biện pháp để bảo vệ lợi ích của cổ đông trước lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đồng thời, Xiaomi cũng nhắc lại rằng các sản phẩm công ty được sử dụng trong các lĩnh vực dân dụng, thương mại, và họ hoạt động theo luật, quy tắc và quy định được thiết lập tại nơi hoạt động.

Việc Xiaomi bị liệt vào danh sách đen quốc phòng là một quyết định khá bất ngờ của Mỹ bởi những doanh nghiệp trong danh sách này phần lớn liên quan đến lĩnh vực công nghiệp nặng như hàng không vũ trụ, đóng tàu, hóa chất, viễn thông, xây dựng và các dạng cơ sở hạ tầng khác. Trong khi Xiaomi được xem là một tập đoàn công nghệ thuần túy.

Anh cấp thị thực đặc biệt cho công dân Hong Kong sau luật an ninh mới

Theo thông cáo của Bộ Nội vụ Anh, bắt đầu từ ngày 31/1 đến ngày 22/2, người Hong Kong có thể nộp đơn xin thị thực đặc biệt, đăng ký trực tuyến thời gian lấy vân tay trực tiếp để làm hồ sơ.

Từ ngày 23/2 trở đi, toàn bộ quá trình này sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông mình.

Bộ Nội vụ Anh ước tính có khoảng 167.000 hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) đã được cấp tính đến tháng 7 năm ngoái. Con số này được ước đoán đã tăng lên 733.000 hộ chiếu vào cuối năm 2020. Chương trình cấp thị thực đặc biệt cho phép những người có BNO và người thân trong gia đình họ được phép sinh sống và làm việc tại Anh tới 5 năm và được xin cấp quốc tịch sau 6 năm.

Những người xin thị thực 5 năm sẽ phải bỏ ra chi phí 250 bảng Anh/người, trong khi chi phí xin thị thực 30 tháng là 180 bảng Anh/người.  Truyền thông Anh ước tính với chương trình thị thực mới, hơn 1 triệu người đến từ Hong Kong sẽ có thể đến Anh trong 5 năm tới.

Trong cuộc họp báo ngày 29/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố không công nhận hộ chiếu hải ngoại của Anh cấp cho người Hong Kong do Anh mở cửa đón các cư dân đặc khu này nhập cư vào Anh.

Bắc Kinh cho rằng, London bất chấp sự thật về việc Hong Kong đã được trao trả cho Trung Quốc 24 năm, cũng như “lập trường nghiêm khắc” của phía Trung Quốc, công khai vi phạm cam kết, cố tình thực thi chính sách dành riêng cho công dân Hong Kong có hộ chiếu BNO tới Anh định cư và xin nhập quốc tịch.

Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Trung Quốc hết sức phẫn nộ và kiên quyết phản đối việc làm này của Anh. Bởi theo Bắc Kinh, London đang cố biến người Hong Kong thành “công dân hạng 2 của Anh” và “thay đổi hoàn toàn tính chất của BNO” như thỏa thuận đạt được giữa chính phủ hai nước.

Mỹ: Texas khởi kiện chính quyền Tổng thống Biden

Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 20/1 ra thông báo cho biết chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ngừng một số quyết định trục xuất trong vòng 100 ngày tới nhằm đảm bảo "thực thi nhập cư hiệu quả và công bằng" và tập trung vào đảm bảo an ninh tại biên giới Mỹ - Mexico cũng như chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tới ngày 22/1, Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đệ đơn kiện liên quan tới quyết định này của ông Biden.

Trong đơn kiện, ông Paxton cho hay bang sẽ phải đối mặt "hậu quả không thể khắc phục" nếu lệnh hoãn trục xuất có hiệu lực.

Theo ông Paxton, chính quyền của ông Biden đã phớt lờ những nguyên tắc cơ bản mà hiến pháp đưa ra và vi phạm cam kết bằng văn bản với bang Texas nhằm giải quyết các mối lo ngại về vấn đề nhập cư.

Tới ngày 26/1, Thẩm phán Drew Tipton của Texas ra phán quyết tạm thời chặn kế hoạch ngưng trục xuất người nhập cư của chính quyền ông Biden trong vòng 14 ngày.

Thẩm phán Tipton lập luận rằng việc chính quyền của tân Tổng thống Biden chặn kế hoạch ngưng trục xuất người nhập cư bất hợp pháp có thể vượt quá thẩm quyền và có thể vi phạm luật liên bang về thủ tục hành chính.

Đồng thời ông Tipton cũng cho rằng chính quyền ông Joe Biden đã “không đưa ra được bất kỳ lý do cụ thể, hợp lý nào cho việc tạm dừng trục xuất 100 ngày”.

WHO bắt đầu điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 ở Vũ Hán

Sau nhiều lần bị trì hoãn, các chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/1 đã bắt đầu tiến hành cuộc điều tra chính thức tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng chợ này có thể không phải nguồn gốc dịch bệnh, mà là nơi virus phát tán.

Các nhà khoa học Trung Quốc hồi tháng Hai năm ngoái khẳng định dịch Covid-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó, khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong người dân.

Xem thêm >> Trung Quốc xuất khẩu hơn 220 tỷ chiếc khẩu trang trong năm 2020, thu về hơn 50 tỷ USD

Cùng chuyên mục
Tin khác