Xe

Thị trường nội vượt nửa triệu xe, doanh nghiệp ô tô Việt vẫn bất lợi?

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 500.000 xe/năm. Quy mô thị trường tăng đang mang lại cơ hội lớn cho xe nhập khẩu xe nguyên chiếc, nhưng lại đẩy ô tô trong nước vào thế bất lợi.

Thị trường nội vượt nửa triệu xe, doanh nghiệp ô tô Việt vẫn bất lợi?

Thị trường ngày càng lớn

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), 11 tháng năm 2022, các doanh nghiệp thành viên đã bán được 369.334 xe, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 208.822 chiếc, tăng 41% và xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 160.512 chiếc, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, con số này chưa tính đến doanh số bán xe Hyundai của Công ty TC Motor (Tập đoàn Thành Công) là 72.037 xe và khoảng 20.000 xe của Công ty Vinfast. Nếu gộp con số từ hai doanh nghiệp này và của các thương hiệu khác, như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo... (không công bố thông tin về doanh số bán), ước tính thị trường ô tô 11 tháng đạt gần 500.000 xe/năm; dự báo cả năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 500.000 xe/năm.

Quy mô này cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đang có sự tăng trưởng ấn tượng. Nhưng quy mô thị trường ô tô tăng thì nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) về bán.

Ô tô nhập nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan về Việt Nam ngày càng nhiều. Ảnh Hoàng Hà.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2022, cả nước nhập khẩu 151.590 ô tô nguyên chiếc, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia là nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam với 63.987 xe, kim ngạch 934,4 triệu USD; Thái Lan cung cấp 61.101 xe với kim ngạch 1,2 tỷ USD.

Từ vài năm nay, một số doanh nghiệp FDI luôn có doanh số bán xe nguyên chiếc nhập khẩu lấn át xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Chẳng hạn, Công ty TNHH ô tô Mitsubishi Việt Nam từ năm 2019 đến nay, doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc luôn chiếm trên 80% tổng doanh số, với hơn 25.000 xe mỗi năm. Suzuki Việt Nam cũng tương tự, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc duy trì ở mức trên 70% từ 2019 đến nay... Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục tăng. 

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp ô tô. Tập đoàn Thành Công vừa khánh thành nhà máy ô tô số 2 tại tỉnh Ninh Bình. Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, kết hợp với nhà máy số 1, nâng tổng công suất lên 180.000 xe/năm. Từ năm 2020, Thành Công đã đầu tư tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô lớn tại tỉnh Quảng Ninh.

Còn Công ty Trường Hải có hai nhà máy ô tô Mazda và Kia tại Quảng Nam, với công suất 100.000 xe/năm. Mới đây, Trường Hải đầu tư 550 tiệu USD sản xuất các sản phẩm cơ khí, trong đó có linh kiện ô tô. Tại Việt Nam đã hình thành những trung tâm về công nghiệp ô tô như: Quảng Nam, Hải Phòng, Ninh Bình...

Xe nội gặp bất lợi

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải, sản xuất ô tô trong nước chưa đáp ứng được yếu tố cạnh tranh về giá do linh kiện phần lớn vẫn còn phải nhập khẩu. Chỉ có một số linh kiện được sản xuất trong nước nhưng sản lượng không đủ lớn để có mức giá tốt. Giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%. Trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN tràn vào nhiều sẽ gây rủi ro cho những doanh nghiệp đang đầu tư lớn vào công nghiệp ô tô.

Tập đoàn Thành Công cho biết đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Đó là phải bù đắp chi phí cho các đối tác sản xuất, cung ứng linh phụ kiện để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của họ, trong tình huống sản lượng sản xuất thấp. Nếu xe nhập khẩu nguyên chiếc tràn vào nhiều, có thể làm giảm sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Phải có chính sách ưu đãi lớn, đủ sức hấp dẫn, mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Ảnh Hoàng Hà.  

Đại diện Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu chia sẻ, dù đã trở thành nhà cung cấp linh kiện ô tô cho Toyota Việt Nam, nhưng nay muốn mở rộng thị phần, tăng sản lượng rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô từ 700.000-800.000 xe/năm vào năm 2025 và trên 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Khi quy mô thị trường đạt từ 500.000 xe/năm trở lên là bước vào ngưỡng lớn và đến trên 1 triệu xe/năm là rất lớn. Đây là cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn, để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...

Tuy nhiên, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam đã được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Còn các khu vực khác trên thế giới như: Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản,... chỉ 7-8 năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc cũng giảm về 0%.

Như vậy, nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối dễ dàng hơn, không cần đầu tư cho sản xuất trong nước, vừa tốn kém vừa chịu nhiều rủi ro. Do đó, cần có những chính sách ưu đãi lớn, đủ sức hấp dẫn, mới có thể thu hút được đầu tư, mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.  

Tin mới lên