Thị trường ôtô tháng 6: Bắt đầu gượng dậy nhưng chưa thoát cảnh ế dài
Bảo Minh -
13/07/2023 22:18 (GMT+7)
(VNF) - Doanh số bán ô tô toàn thị trường trong tháng 6/2023 tăng trưởng 15% so với tháng trước, sau chuỗi liên tiếp giảm doanh số từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, dù được Chính phủ hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ nhưng sức mua vẫn chưa được cải thiện.
Thị trường ô tô khởi sắc trở lại
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.800 xe, tăng 15% so với tháng trước đó và giảm 5% so với tháng 6/2022.
Báo cáo của VAMA cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.800 xe, bao gồm xe 17.334 du lịch; 6.344 xe thương mại và 122 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 20%; xe thương mại tăng 4% và xe chuyên dụng giảm 17% so với tháng trước. Cũng trong tháng 6/2023, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.488 xe, tăng 28% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.312 xe, giảm 4% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 6/2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 32% so với năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 37%; xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng giảm 65% so với năm 2022. Trong khi đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 37% trong khi xe nhập khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu giúp thị trường ô tô bắt đầu hồi phục đến từ việc các nhà phân phối và đại lý liên tục tung ra nhiều chương trình giảm giá bán mạnh để thu hút khách hàng trong tháng vừa qua. Đơn cử như doanh số các mẫu xe của Hyundai đã tăng trưởng mạnh trở lại. Cụ thể, trong tháng 6/2023 doanh số của Accent đạt 1.539 xe, tăng trưởng 67,3% so với tháng trước đó. Mẫu xe Hyundai Grand i10 đạt mức tăng trưởng 74,9%; mẫu xe Elantra tăng trưởng 83,8% so với tháng 5.
Mua bán dìu hiu dù đã giảm 50% phí trước bạ
Việc Chính phủ chính thức áp dụng giảm 50% phí trước bạ cho các mẫu ô tô sản xuất, láp ráp trong nước từ ngày 1/7 sẽ là đòn bẩy giúp thị trường ô tô quay trở lại đà tăng trưởng sau chuỗi liên tiếp giảm doanh số từ đầu năm 2023 đến nay. Tuy nhiên, trên thực tế lại không được như kỳ vọng.
Khảo sát tại Mazda Lê Văn Lương, Hà Nội (ngày 5/7, thời điểm trước khi mẫu New Mazda CX-5 ra mắt), ghi nhận tại đây cho thấy showroom khá im ắng, chỉ lác đác 1 -2 khách tới xem xe. Các khách hàng tới đây xem xe chủ yếu hỏi về chương trình ưu đãi của CX-5 (bản cũ) một cách qua loa và sau đó ra về, chứ không tỏ ra hào hứng muốn tìm hiểu sâu về sản phẩm và có ý định “chốt cọc”.
Cùng chung cảnh ngộ, tại một đại lý kinh doanh xe Thaco Kia khu vực Hà Nội, nhân viên bán hàng cho biết mặc dù từ đầu năm đến nay, nhà phân phối liên tục tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá bán cho hầu hết các mẫu xe hàng chục triệu đồng, tuy nhiên lượng khách hàng đến mua sắm cũng không khá khẩm là bao. Tương tự, một đại lý kinh doanh xe Toyota khu vực Hà Đông cũng rơi vào cảnh đìu hiu khi lượng khách tới xem xe chỉ đếm trên đầu ngón tay, khác xa so với cùng kỳ năm trước.
Giới chuyên gia trong ngành đánh giá, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, nếu cắt giảm các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán thì khó có thể thu hút khách mua xe, trong khi đó nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu đang được ưu đãi lên đến cả trăm triệu đồng, điều này gây nên áp lực rất lớn cho xe “nội”.
Với tình hình ảm đạm như hiện tại, phải đến cuối tháng 7 thì "liều thuốc" giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ mới thực sự phát huy được tác dụng để kích thích nhu cầu mua sắm trở lại. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay mua ô tô vẫn ở mức cao cũng là rào cản khiến thị trường khó có thể tăng trưởng đột phá trong hai quý còn lại của năm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone