Thị trường xe tuần qua: Thu hàng chục tỷ từ đấu giá biển số đẹp, VinFast xây nhà máy ở Indonesia

Bảo Minh - 17/09/2023 11:19 (GMT+7)

(VNF) - Đấu giá thành công 11 biển số xe ô tô siêu đẹp với tổng số tiền trên 82 tỷ đồng, trong đó giá trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng cho biển số 51K-888.88 của TP. HCM.

Đấu giá thành công 11 biển số xe ôtô với tổng số tiền trên 82 tỷ đồng

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, phiên đấu giá ngày 15/9 đã thành công tốt đẹp. Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỷ đồng.

Cụ thể, từ 9-17 giờ ngày 15/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô-tô Phiên đấu giá thứ nhất (dự kiến phiên đấu giá này diễn ra vào ngày 22/8 nhưng do sự cố kỹ thuật không thực hiện được), bao gồm 11 biển số xe ô-tô của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có nhiều biển số “siêu khủng”, siêu đẹp như: 19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A-799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89.

Kết quả buổi đấu giá, giá trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng cho biển số 51K-888.88 của TP. HCM, biển số Thanh Hoá 36A-999.99 trúng giá cao nhất 7,47 tỷ đồng, biển số Bắc Ninh 99A-666.66 là 4,27 tỷ đồng, biển số Hải Phòng 15K-188.88 là 650 triệu đồng.

Hai biển số ngũ quý của Phú Thọ và Hà Nội được đấu giá thành công. Trong đó, biển số 19A-555.55 được bán với giá 2,69 tỷ đồng và biển 30K - 555.55 là 14,12 tỷ đồng.

Thu hút nhiều người tham gia nhất là cuộc đấu giá biển số 30K-567.89 của Hà Nội với 92 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 91 người, số trả giá là 67 người.

Tiếp đến là biển số 51K-888.88 của TP. HCM với 83 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 82 người, số trả giá là 60 người.

Xem chi tiết tại Hyundai Palisade ra mắt khách hàng Việt, giá bán cao nhất gần 1,6 tỷ đồng

VinFast định xây nhà máy ô tô điện thứ 3 tại Indonesia

Nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast muốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong số này, 200 triệu USD dự kiến được dùng để xây dựng nhà máy. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành từ năm 2026 và có thể sản xuất 30.000 – 50.000 xe/năm.

Nếu kế hoạch được thực hiện, nhà máy tại Indonesia sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast, bên cạnh nhà máy chính ở Hải Phòng (Việt Nam) và một nhà máy mới ở Bắc Carolina (Mỹ), dự kiến ​​khởi công vào năm 2025.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast cũng cho biết họ có kế hoạch mở rộng cơ sở tại Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông, châu Phi, đồng thời mở rộng tại châu Âu… Hãng cũng cho biết muốn phát triển kênh phân phối riêng và có thể mở showroom tại các thị trường đó.

Xem chi tiết tại đây.

Tập đoàn Thành Công muốn bỏ 94 triệu USD lập Tổ hợp cơ khí ô tô ở Hải Dương

Mới đây, Tập đoàn Thành Công có đề xuất với tỉnh Hải Dương bố trí quỹ đất cho Tổ hợp sản xuất cơ khí chế tạo và lắp ráp cho ngành cơ khí, phụ trợ, linh kiện ô tô và công nghiệp khác tại Khu công nghiệp Lai Vu. Vị trí đề xuất tại lô đất ký hiệu CN10 và CA thuộc Khu công nghiệp Lai Vu với diện tích khoảng 25,8ha và có tổng mức đầu tư 94,3 triệu USD. Công suất thiết kế đạt quy mô tương đương với 200.000 xe/năm có định hướng xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Dự án sẽ cho ra các sản phẩm chủ yếu là các chi tiết cơ khí thân vỏ ô tô, các linh kiện điện tử, hệ thống ghế ngồi trang bị trên xe, trung tâm nghiên cứu R&D và các sản phẩm cơ khí với các công nghệ được chuyển giao từ các đối tác Hàn Quốc, G7, đảm bảo tính đồng bộ và tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất xe trong nước và xuất khẩu

Bên cạnh đó, Tập đoàn Thành Công cũng đề xuất tỉnh Hải Dương áp dụng mức phí tiền thuê hạ tầng Khu công nghiệp với mức giá 20 USD/m2, gia hạn thời gian sử dụng đất 50 năm kể từ ngày giao đất, đồng thời miễn phí tiền thuê đất thô trong thời gian xây dựng.

Xem chi tiết tại đây

Ford triệu hồi hàng nghìn xe tại Việt Nam

Mới đây, Cục Đăng Kiểm Việt Nam thông báo về 3 đợt triệu hồi riêng biệt liên quan đến các dòng xe Ford Everest đời 2022-2023, Everest đời 2021-2023, Explorer đời 2018-2023. Tất cả xe bị ảnh hưởng đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Mỹ.

Theo đó, đợt triệu hồi đầu tiên liên quan tới 1.967 chiếc Ford Explorer, sản xuất từ ngày 19/10/2018 đến ngày 02/05/2023 tại nhà máy Chicago, Mỹ. Nguyên nhân của đợt triệu hồi đó là khi lùi xe hoặc khi chọn chế độ xem 360 độ (xe đang vận hành ở tốc độ thấp), khách hàng có thể thấy một vệt màu xanh hoặc toàn màn hình màu xanh/ đen đối với camera phía sau trên màn hình thông tin giải trí.

Đợt triệu hồi thứ 2 liên quan tới 1.256 chiếc Ford Everest xuất xưởng từ ngày 24/11/2021 đến ngày 3/2/2023. Lý do là phần mềm điều khiển động cơ (PCM) ở những xe liên quan có thể hạn chế dòng nạp cho ắc quy trong một số trường hợp nhất định, dẫn đến tiêu hao ắc quy trong khi vận hành xe.

Nếu tình trạng này xảy ra, điện áp ắc quy có thể giảm xuống đến mức không đủ để khởi động sau khi tắt máy. Ngoài ra, nếu điện áp ắc quy giảm xuống dưới ngưỡng tới hạn khi xe ở tốc độ dưới 6km/h, hộp số sẽ tự động chuyển sang chế độ đỗ xe (P), khiến xe dừng đột ngột mà không kích hoạt đèn phanh, làm tăng nguy cơ va chạm.

Đợt triệu hồi thứ 3 liên quan tới 2 chiếc Ford Everest được sản xuất từ ngày 19/5/2022 đến ngày 28/6/2023 tại nhà máy Thái Lan bởi lỗi bộ lọc hạt khí thải động cơ diesel (DPF).

Nhà sản xuất cho biết trên những sản phẩm bị ảnh hưởng, bộ lọc hạt khí thải động cơ diesel (DPF) đã lắp ráp không đúng hướng có thể dẫn đến việc tái sinh khí thải thường xuyên hơn và kéo theo đó là suy giảm khả năng tiết kiệm nhiên liệu, dẫn tới giảm tuổi thọ của dầu và không tuân thủ các yêu cầu theo quy định về khí thải.

Xem chi tiết tại đây. 

Dính tháng Ngâu, thị trường xe ôtô trong nước “ảm đạm”

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.540 xe, giảm 9% so với tháng 7 và giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có xe 17.335 du lịch; 5.036 xe thương mại và 169 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch giảm 10%; xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng tăng 14% so với tháng trước.

Cũng theo VAMA, trong tháng 8/2023 doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.118 xe, giảm 3% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.422 xe, giảm 15% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 8/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 34%, xe thương mại giảm 13% và xe chuyên dụng giảm 61% so với năm 2022.

Tính đến hết tháng 8/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 32% trong khi xe nhập khẩu giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phí đăng ký biển số xe bán tải lần đầu tăng 40 lần, lên đến 20 triệu đồng

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 60/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một trong những điểm mới đáng chú ý đó là việc điều chỉnh mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số đối với dòng xe bán tải.

Cụ thể, từ ngày 22/10/2023, mức thu lệ phí lần đầu của xe bán tải tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực I sẽ tăng từ 500.000 đồng lên 20 triệu đồng. Như vậy, mức thu lệ phí cấp lần đầu chứng nhận đăng ký kèm theo biển số đối với dòng xe bán tải tăng tới 40 lần, mức này tương đương các dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống.

Trong khi đó, phí cấp mới giấy chứng nhận đăng ký xe bán tải tại các địa phương thuộc khu vực II là 1 triệu đồng và khu vực III là 200.000 đồng.

Xem chi tiết tại đây. 

Xem thêm: Hyundai Palisade ra mắt khách hàng Việt, giá bán cao nhất gần 1,6 tỷ đồng

Cùng chuyên mục
Tin khác