Tiêu điểm

‘Thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn’

(VNF) - Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản, thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của Chính phủ.

‘Thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn’

Sáng ngày 7/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn".

Số lượng doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn còn thấp

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường".

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất".

Phát biểu tại hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 7/9, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định hiện đã có các doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh tuần hoàn. Song do nhiều nguyên nhân, nhất là do còn thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của Chính phủ, số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn còn thấp.

Theo đó, ông Cương nhấn mạnh các quy định về kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh tuần hoàn nói riêng mặc dù đã có nhưng phần lớn vẫn đang nằm ở dạng chính sách, chưa được cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, và vì vậy gần như rất ít được triển khai trong thực tế.

“Điều này dẫn đến các hoạt động hỗ trợ chính thức nhằm phát triển đối với các mô hình kinh doanh tuần hoàn gần như chưa được thực hiện. Thiếu các quy định cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn, ví dụ các hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo, tư vấn, thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm áp dụng các mô hình, quy trình theo hướng kinh doanh tuần hoàn. Mô hình kinh doanh tuần hoàn đã xuất hiện ở một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây, nhưng mức độ áp dụng còn thấp”, ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng, thậm chí là chưa tìm hiểu về kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chỉ có khoảng 3-6% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đã áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh hoặc đã áp dụng một trong những nội dung của mô hình kinh doanh tuần hoàn ở mức đầy đủ - Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn/kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi các rào cản về công nghệ, khuyến khích về mặt kinh tế, các yếu tố xã hội, các yếu tố về chuỗi giá trị”, ông Cương nhìn nhận.

Hoàn thiện khung pháp lý

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN, bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường...

Ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện, thống nhất...

Hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện kinh tế tuần hoàn thuộc các hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đấu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh tế tuần hoàn thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Việt Nam, để thực hiện kinh tế tuần hoàn chứa đựng cả những cơ hội và rào cản. Trong đó, cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ.

Cùng với đó, cần có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế trong việc gỡ bỏ các rào cản mang tính toàn cầu (ví dụ, vấn đề thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ tuần hoàn, vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, hàng hóa, vấn đề tài chính).

Chính vì vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Cùng với đó, trong dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh, pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường để hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến đảm bảo “quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm”…

Đặc biệt, cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn.

Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cũng nêu rõ thực trạng, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Về giải pháp, ông Cương cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp; Phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn; Xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Tin mới lên