Tiêu điểm

Thiếu điện, bất ổn xăng dầu... và cả loạt lãnh đạo bị bắt

(VNF) - Có thể nói năm 2023 là một năm sóng gió với lĩnh vực năng lượng khi đối diện với rất nhiều vấn đề khi thiếu điện, thiếu xăng, lãnh đạo bị bắt và bài toàn năng lượng tái tạo chưa có lời giải.

Thiếu điện, bất ổn xăng dầu... và cả loạt lãnh đạo bị bắt

Những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là một trong những điểm của năng lượng tái tạo trong năm qua.

1. Thiếu điện

Giữa năm 2023, cơn khủng hoảng thiếu điện bắt đầu và lan khắp lĩnh vực, ngành nghề ở miền Bắc. Ở phía Nam, từ giữa tháng 5, khi một vài nơi ở TP. HCM bị cắt điện, Tổng công ty Điện lực TP. HCM và Tập đoàn Điện lực Viêt Nam (EVN) khẳng định chỉ khắc phục sự cố kỹ thuật… và các ngày sau đó lịch cắt điện cũng được hoãn lại. May mắn miền Nam cũng vào mùa mưa, áp lực thiếu điện cũng giảm.

Ở miền Bắc, El Nino để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Nguồn nước ở các hồ thuỷ điện về mực nước chết, các tổ máy nhiệt điện liên tục gặp sự cố vì quá tải. Tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, cắt điện không chỉ luân phiên 1 - 2 giờ mà có nơi cắt từ nửa ngày đến cả ngày. Tại địa phương tiêu thụ điện nhiều cho sản xuất thì ưu tiên điện cho sản xuất vào ban ngày, ban đêm mới cấp cho người dân.

Nguồn điện tại miền Bắc hiện chủ yếu trông chờ vào thủy điện và nhiệt điện nhưng cả 2 nguồn này đang gặp vấn đề. Sản lượng thủy điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm trước, chỉ đạt 12% - 15% công suất phát. Thế nên, việc thiếu điện diễn ra trên diện rộng tại khu vực này là điều dễ hiểu.

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, tình trạng thiếu điện sẽ không chỉ diễn ra trong năm nay. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nói thẳng: Thiếu điện sẽ không còn là nỗi lo của năm nay mà là vấn đề của những năm sau nữa. Nguồn điện không còn công suất dự phòng đã được cảnh báo từ lâu, nhưng việc chậm ban hành Quy hoạch điện 8 khiến mọi thứ “chôn chân”. Nhiều năm qua, ở phía Bắc hầu như không có thêm dự án điện nào được đầu tư mới trong khi theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung từ 3.000 - 4.500 MW mới.

“Một số dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII sửa đổi đã không được triển khai vì nhiều lý do khác nhau, nhiều địa phương không chấp nhận dự án nhiệt điện vào tỉnh mình, một số dự án lại bị khó khăn về vốn. Cả chục dự án khí LNG đã được bổ sung trong Quy hoạch điện VII tới nay vẫn chưa thể xong bước chuẩn bị đầu tư. Đáng nói hơn, các dự án điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ lắp tới công suất rất lớn, kế hoạch đến 7.000 MW vào năm 2030 cũng chưa được triển khai do vướng chính sách”, ông Ngãi dẫn chứng.

Quy hoạch điện 8 đã chậm ban hành, song ban hành rồi vẫn chưa hướng dẫn, nên việc đầu tư triển khai 500 dự án truyền tải điện cũng đang bế tắc.

Ông Trần Viết Ngãi tính toán: Giai đoạn 2019 - 2021, có hơn 20.000 MW năng lượng tái tạo được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Còn lại, các nguồn điện khác không có bao nhiêu. Năm nay, chỉ còn 1.200 MW của nhà máy điện than Vân Phong 1 vào hoạt động, sau đó là không có thêm các nguồn nào đủ lớn để bù đắp lượng điện thiếu.

Trong năm 2023, EVN đã có 2 lần điều chỉnh tăng giá điện. Lần 1 điều chỉnh vào ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh, tương đương mức tăng 3%. Lần 2 giá điện điều chỉnh tăng thêm 4,5%, từ mức 1.920,37 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 9/11/2023.

Nói về lý do tăng giá điện, EVN cho biết, do chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh. Tuy nhiên, dù đã trải qua 2 lần tăng giá điện nhưng EVN vẫn lỗ.

2. Thị trường xăng dầu chưa hết bế tắc

Sau cuộc khủng hoảng xăng dầu năm 2022, nhiều người kỳ vọng, thị trường xăng dầu sẽ bình ổn để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng đáng tiếc là không, bước sang năm 2023 thị trường xăng dầu tiếp tục xảy ra những bất ổn khi hàng loạt các doanh nghiệp xăng dầu đều đồng loạt kêu lỗ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, họ phải bù lỗ để tiếp tục kinh doanh.

Hồi cuối năm 2022, diễn biến giá xăng dầu phức tạp, xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước, hàng loạt các cây xăng treo biển hết hàng, tình trạng bán nhỏ giọt cũng xuất hiện ở nhiều nơi làm ảnh hưởng nghiệm trọng tới đời sống sản xuất của nhân dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bước sang năm 2023, tuy không còn tình trạng cây xăng treo biển dừng bán hàng nhưng một nghịch lý khác lại xảy ra đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối) đồng loạt kêu lỗ vì bị Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý xăng dầu bó chặt. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng khi sửa đổi nghị định cần tháo gỡ nút thắt, để thị trường xăng dầu tránh nguy cơ rơi vào ngõ cụt.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đồng loạt nên tiếng phản ứng về việc họ bắt buộc phải xuất hoá đơn bán lẻ. Để có thể xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu, mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu đồng cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Với mức hoa hồng chỉ có 500 - 600 đồng/lít, đầu tư hệ thống này sẽ cầm chắc lỗ.

Để bình ổn thị trường xăng dầu, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng xăng dầu nên để thị trường quyết định. Với cách quản lý hiện hành, phần lỗ Nhà nước bắt doanh nghiệp chịu là vô lý.

Thị trường xăng dầu thêm nóng khi những ngày cuối năm hàng loạt doanh nghiệp bị phanh phui các sai phạm, nhiều chủ DN, cán bộ bị bắt do liên quan đến loạt sai phạm kinh doanh xăng dầu

3. Nhiều cán bộ bị bắt và kỷ luật

Nhìn lại năm 2023 đầy biến động của ngành Công Thương khi nhiều lãnh đạo bị kỷ luật do sai phạm. Ngày 21/12, ông Đỗ Thắng Hải, 60 tuổi, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Nhận hối lộ.

Biện pháp tố tụng với ông Hải được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan liên quan.

Liên quan việc này, một Vụ phó Vụ quản lý thị trường trong nước - Bộ Công thương cũng đã bị bắt giam

Trong năm qua, hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Bộ Công Thương dính sai phạm.

Trong thông cáo kỳ họp thứ 34 phát đi ngày 20/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá...

Trách nhiệm đối với những vi phạm thuộc về Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các cục, vụ liên quan.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và một số cán bộ.

Đó là ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Công Thương; ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Công Thương.

Hàng loạt cán bộ thuộc Bộ Công Thương cùng chịu trách nhiệm là ông/bà: Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ; Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo; Trần Duy Đông, Cục trưởng Xuất nhập khẩu; Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Đặng Huy Cường, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Tổng Cục trưởng Năng lượng; Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ; Võ Văn Quyền, nguyên Vụ trưởng Thị trường trong nước.

Cũng trong năm 2023, loạt lãnh đạo thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị kỷ luật vì để thiếu điện. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với các lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do để thiếu điện ở miền Bắc.

Với lãnh đạo EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất kỷ luật khiển trách với ông Dương Quang Thành - nguyên Chủ tịch HĐTV EVN; ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN; Phó Tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải và Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

4. Hậu quả năng lượng tái tạo

Việt Nam có lợi thế phát triển điện sạch nhưng bán không được. Việt Nam là một trong số ít quốc gia thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo (điện sạch, không ô nhiễm). Từ năm 2015 một số nhà đầu tư đã nhảy vào thị trường năng lượng mới đầy tiềm năng này. Nhưng sau gần 10 năm, việc sản xuất điện tái tạo có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư mất nhuệ khí và có thể bỏ cuộc.

Cho đến nay mới có 27% năng lượng tái tạo được EVN mua để hòa vào lưới điện quốc gia. Thống kê đến đầu năm 2023, có 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời không hòa được vào lưới điện quốc gia. Điều này gây sự lãng phí rất vô lý và đẩy các doanh nghiệp vào nợ nần, phá sản. 

Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió, nhưng đến tháng 3/2023 mới có khoảng 23% số dự án nộp hồ sơ đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN. Các nhà đầu tư chần chừ vì giá mua điện của EVN thấp hơn giá thành sản xuất, càng sản xuất càng lỗ nhưng, không bán cho điện EVN, các nhà đầu tư biết bán cho ai.

Cùng với đó, việc ban hành khung giá điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp... được đánh giá có nhiều bất cập và chưa đảm bảo nguyên tắc tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12%. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đoòng loạt kêu cứu.

Ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, cho hay hiện các doanh nghiệp chưa thể bán điện đang "điêu đứng" vì lãi vay "trên trời" trong khi doanh thu bán điện không có. Ngoài ra, máy móc 1-2 năm không vận hành sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chi phí bảo trì. Do đó, ông Thịnh cho rằng điều cần nhất hiện nay là cho các dự án hoạt động, ghi nhận công suất phát, giá tiếp tục đàm phán để có mức giá trần hợp lý hơn.

Nghị quyết 55 khuyến khích phát triển năng lượng sạch, ưu tiên điện gió và điện mặt trời, các chính sách khuyến khích vẫn còn hiệu lực nhưng quy định mới ban hành khung giá điện lại bãi bỏ ba nội dung quan trọng: thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.

Tin mới lên