Thoái vốn tại nhiều tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng khó khăn vì bất động sản

Lê Quân - 14/03/2019 10:49 (GMT+7)

Bộ Xây dựng cho hay, thoái vốn tại nhiều tổng công ty trực thuộc bị hạn chế do khó khăn về đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất.

VNF
Thoái vốn tại nhiều tổng công ty của Bộ Xây dựng gặp khó khăn vì định giá nhà, đất/ Ảnh: Lê Quân

Theo ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng, năm 2018, Bộ này đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp lớn trực thuộc, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lên 14/16 tổng công ty, bao gồm: DIC, Sông Hồng, Viglacera, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, VIWASEEN, LICOGI, LILAMA, FiCO, CC1, COMA, VNCC, IDICO và Sông Đà.

Sau cổ phần hóa, có 2 doanh nghiệp niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, 12 doanh nghiệp niêm yết  trên UpCOM.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, kết quả cổ phần hóa và thoái vốn tại một số tổng công ty còn hạn chế do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê,… dẫn đến phát sinh nhiều việc khó, phức tạp, liên quan chủ yếu đến sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất và giá đất.

Theo đó, nhiều địa phương trả lời phương án sử dụng đất và giá đất rất chậm, dẫn đến việc phải kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến đến tiến độ cổ phần hóa.

Đơn cử, tại Tổng Công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), do tài sản phần lớn là giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án trải khắp nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất và giá đất phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ xử lý công việc của UBND các địa phương.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, một số văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa mới được ban hành, các doanh nghiệp phải có thêm thời gian thực hiện các quy định này, nên tiến độ thực hiện kéo dài hơn so với dự kiến. Đồng thời, việc thoái vốn nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn do quy định mới ban hành chặt chẽ hơn, đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước.

Do đó, trong quá trình thực hiện cập nhật mới các quy định này, Bộ Xây dựng phải chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cập nhật lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, kết quả thẩm định định giá cổ phần theo đúng quy định, dẫn đến phải có thêm thời gian thời gian thực hiện so với kế hoạch và kéo dài tiến độ thoái vốn dự kiến...

Theo Bộ Xây dựng, việc biến động của thị trường chứng khoán cũng tác động lớn đến khả năng hấp thụ nguồn cung lượng cổ phần khi nhà nước thoái vốn. Tại thời điểm xây dựng, phê duyệt phương án thoái vốn, chỉ số VN-Index ở mức cao, nhưng khi thực hiện phương án, chỉ số VN-Index sụt giảm sâu, dẫn đến thực hiện phương án không thành công.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.