Thông qua chủ trương đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD

Hà Giang - 30/11/2024 16:12 (GMT+7)

(VNF) - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h và tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD.

Chiều 30/11, với 443/454 đại biểu có mặt tán thành, 7 đại biểu không tán thành, 4 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao có 23 ga hành khách

Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Quốc hội quyết nghị đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị.

Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha. Khi thực hiện dự án, dự kiến có khoảng 120.836 người tái định cư.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD).

Quốc hội quyết nghị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo nghị quyết.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, nhất là khả năng thu hồi vốn, khả năng hoàn trả vốn và việc trợ giá cho dự án trong quá trình vận hành, khai thác.

Về nội dung này, Uỷ ban Thượng vụ Quốc hội nêu rõ Chính phủ đã tính toán các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án.

Tương tự mô hình các nước trên thế giới, các dự án đường sắt mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ nguồn thu vận tải, khai thác thương mại để cân đối chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và trả phí hạ tầng cho Nhà nước.

Theo đó trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện.

Do đó Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng.

Bố trí vốn qua 3 kỳ trung hạn

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá đầy đủ hơn về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn của dự án để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng về tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn.

Có ý kiến cho rằng dự án trải qua 3 kỳ trung hạn, vì vậy tổng mức đầu tư được duyệt giai đoạn nào thì chỉ tính trong giai đoạn đó, phần vốn được thực hiện giai đoạn nào thì tính vốn vào kỳ trung hạn đó và không nên chuyển từ kỳ trung hạn trước qua kỳ trung hạn sau.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn để thực hiện dự án.

Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỉ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thộng vận tải.

Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỷ đồng.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, hiện nay đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước.

Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định. Do đó, tại dự thảo nghị quyết đã quy định dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Cùng chuyên mục
Tin khác