Thu hồi Nhiệt điện Kiên Lương 1: Tân Tạo nói đã chi 6.300 tỷ, tỉnh Kiên Giang nói chỉ 77 tỷ

Vĩnh Chi - 21/08/2018 17:56 (GMT+7)

(VNF) – Chi phí đã thực hiện trong dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 vẫn là con số gây tranh cãi giữa UBND tỉnh Kiên Giang và Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo – chủ đầu tư dự án.

VNF

Số liệu hai bên vênh nhau 81 lần

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi lên Thủ tướng về việc thu hồi chủ trương đầu tư trung tâm điện lực Kiên Lương và cảng nước sâu Nam Du.

Theo văn bản, dự án trung tâm điện lực Kiên Lương 1 được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức nhà máy nhiệt điện độc lập với quy mô 2x600 MW vào tháng 7/2009. Một năm sau đó, dự án được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang cho hay từ năm 2009 – 2013, Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC) đã thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng và san lấp địa điểm xây dựng của dự án Kiên Lương 1. Tuy nhiên từ cuối năm 2011, dự án bắt đầu đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cũng không thực hiện thủ tục xin gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Tới tháng 2/2014, dự án có chuyển biến mới khi Thủ tướng cho phép chủ đầu tư chuyển đổi hình thức đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 sang hình thức BOT.

Tháng 12/2015, Bộ Công Thương và TEC đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực là 48 tháng. Tuy nhiên, sau lễ ký kết này, TEC đã không thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nào.

Đối với dự án cảng nước sâu Nam Du, Bộ Công Thương cho biết ngoài công việc khảo sát thực địa, đo đạc ngoại nghiệp và lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để lấy kiến hoàn chỉnh thì cho đến nay, TEC vẫn chưa triển khai thêm công việc gì khác.

Điều đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Công Thương là giữa UBND tỉnh Kiên Giang và TEC đang có sự khác biệt rất lớn về chi phí đã thực hiện tại dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Cụ thể, báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang vào thời điểm tháng 9/2017 cho biết TEC đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án gồm: san lấp 60ha diện tích ven biển cho khu vực chính xây dựng nhà máy điện, triển khai xây dựng nhà ở chuyên gia và bồi thường tái định cư cho các hộ dân trong khu vực dự án với số tiền 77,2 tỷ đồng.

Cụ thể, tại khu vực chính xây dựng nhà máy điện, chủ đầu tư san lấp được 60ha/252,4ha, chi bồi thường cho 10/18 hộ dân với số tiền 123,9 triệu đồng. Tại khu phụ trợ diện tích 264,7 ha, chủ đầu tư đã bồi thường được 242/269 hộ dân với số tiền là 76,7 tỷ đồng. Tại khu xây dựng nhà ở diện tích 57ha, chủ đầu tư đã xây dựng nhà ở cho chuyên gia tại diện tích 18ha được giao, chưa xây dựng khu tái định cư.

Tuy nhiên, theo báo cáo gửi lên Thủ tướng, TEC cho biết đơn vị đã đầu tư trên 270 triệu USD để triển khai dự án.

Các hoạt động đầu tư của TEC gồm: hoàn thành 146 thủ tục pháp lý từ trung ương đến địa phương; tiến hành khảo sát xây dựng báo cáo khả thi cho dự án; hoàn thành 98% công tác giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ sẵn sàng cho thi công nhà máy; tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu EPC quốc tế; thu xếp vốn, nguồn than cho dự án.

Như vậy, số liệu chi phí đầu tư dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 giữa TEC và UBND tỉnh Kiên Giang đang vênh nhau tới 81 lần (270 triệu USD/77 tỷ đồng).

Một điều đáng chú ý khác là trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay UBND tỉnh Kiên Giang hiện không thể liên lạc được với chủ đầu tư để trao đổi và bàn hướng xử lý dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Bổ sung vào quy hoạch hay thu hồi?

Tại văn bản gửi lên Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án xử lý đối với dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Phương án 1 là bổ sung dự án Kiên Lương 1 vào Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 có xét đến năm 2040 và phát triển theo hình thức BOT - với điều kiện sau rà soát, các phương án sử dụng nhiên liệu và đánh giá vẫn cần có dự án trong cân bằng nhu cầu điện năng quốc gia giai đoạn 2021 – 2030.

Phương án nay có thuận lợi là giảm tranh chấp với nhà đầu tư, giảm bồi thường chi phí chủ đầu tư đã bỏ ra trong giai đoạn 2009 -2013. Khó khăn là phương án này phụ thuộc vào kết quả cân bằng điện năng quốc gia trong Quy hoạch điện 8 , nhu cầu của tỉnh Kiên Giang, năng lực của chủ đầu tư. Việc triển khai theo hình thức BOT cũng sẽ gặp khó khăn do yêu cầu bảo lãnh chính phủ.

Phương án 2 là thu hồi dự án. Theo đó, nhà nước khẳng định lỗi thuộc về chủ đầu tư, ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và không đàm phán bồi thường.

Thuận lợi của phương án này là không phải bồi thường cho chủ đầu tư nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ khẳng định lỗi hoàn toàn do chủ đầu tư. Khó khăn là khó có đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để đưa ra quyết định thu hồi và dễ xảy ra tranh chấp.

Được biết mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có yêu cầu các bộ ngành đề xuất phương án xử lý cụ thể để báo cáo Thủ tướng vào tháng 9 tới.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân tạm dừng dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 là vào tháng 3/2016, Thủ tướng đã ký quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, trong đó không có dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2.

Trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh này, tháng 6/2016, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi TEC thông báo rằng chủ đầu tư không có cơ sở tiếp tục triển khai dự án Kiên Lương 1.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2011, việc chủ đầu tư không triển khai dự án gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tác động đến đời sống nhân dân; tạo dư luận không tốt cho công tác quản lý nhà nước.

Nhân dân địa phương nơi dự án tọa lạc cũng có ý kiến không đồng tình với việc triển khai dự án do lo ngại việc thực hiện sẽ ảnh hưởng đến  môi trường, đời sống sinh hoạt và việc phát triển ngành nghề du lịch thương mại, nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng có kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy Nhiệt điện than Kiên Lương vào Quy hoạch phát triển điện lực 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.