Thứ trưởng Trần Quốc Phương làm ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội

Chí Bình - 23/03/2023 14:33 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương sẽ kiêm giữ chức Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội.

VNF
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm giữ chức Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghỉ hưu.

Ông Trần Quốc Phương sinh năm 1974, quê Hà Nội. Ông tốt nghiệp thạc sỹ về nghiên cứu phát triển. Năm 2017, ông được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến tháng 12/2019, ông Phương được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng quyết định bổ nhiệm ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kiêm giữ chức Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, thay ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chuyển công tác khác.

Ông Ngô Văn Cương là thạc sỹ quản trị kinh doanh, kỹ sư xây dựng. Ông Cương từng là thư ký Ban Bí thư Trung ương Đoàn, thư ký Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn và đã trải qua các vị trí như Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn; Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang; Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn. Từ tháng 7/2019 - 11/2020, ông Cương là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đoàn. Từ tháng 12/2020, ông giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đoàn.

Như vậy, với việc bổ nhiệm thêm 2 ủy viên kiêm nhiệm còn khuyết, đã hoàn thiện 13 thành viên là ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội theo đúng cơ cấu, tổ chức của đơn vị này. Chủ tịch HĐQT là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của ngân hàng không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%. Ngân hàng không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác