Thủ tướng đề nghị NHNN triển khai P2P Lending để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hải Đường - 03/07/2020 16:23 (GMT+7)

(VNF) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 5225/VPCP-ĐMDN về đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương và các tổ chức hiệp hội đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, một nhiệm vụ đáng chú ý mà Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai là nghiên cứu giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay.

P2P Lending (Peer-to-peer) hay còn gọi là cho vay ngang hàng là một giải pháp tài chính mới dựa trên sự chia sẻ về quyền sử dụng vốn, cho phép bên vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau, không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào khác.

Trước đó, NHNN cho biết từ năm 2021, ngành dự kiến thử nghiệm 7 lĩnh vực Fintech trong đó có P2P Lending. Thời gian thử nghiệm mà NHNN đưa ra trước đó là 1-2 năm.

Cũng trong văn bản mà văn phòng Chính phủ ban hành, để hỗ trợ cho DNNVV, Thủ tưởng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV để hoàn thiện cơ sở pháp lý triển khai các nội dung hỗ trợ của Luật, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được đề nghị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, bố trí vốn ngân sách nhà nước triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV, trong đó có "Chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025" sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về các nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ hướng dẫn triển khai sớm Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sau khi được Quốc hội ban hành; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách về thuế thu nhập DNNVV để hỗ trợ DNNVV trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để bảo đảm thống nhất với Luật Hỗ trợ DNNVV;

Khẩn trương trình Chính phủ nghị định về tổ chức hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 14/6/2019, trong đó xem xét thêm việc quỹ đầu tư phát triển địa phương đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm phù hợp với nguồn lực tài chính của quỹ và khả năng quản lý, giám sát của quỹ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn được yêu cầu hướng dẫn các Cục thuế địa phương áp dụng miễn thuế môn bài 3 năm cho các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; ban hành cẩm nang hướng dẫn chi tiết về chính sách, thủ tục thuế, kế toán cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; phổ biến các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất phát triển cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; xây dựng và ban hành tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên về đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ DNNVV.

Cùng chuyên mục
Tin khác