Tiêu điểm

Thủ tướng nói gì về đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT của Bộ GTVT?

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT.

Thủ tướng nói gì về đề xuất tăng phí 'cứu' doanh nghiệp BOT của Bộ GTVT?

Bộ GTVT đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT.

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thông tin báo giới phản ánh về việc các doanh nghiệp vận tải và hiệp hội vận tải khẳng định đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 là không phù hợp, khiến ngành vận tải thêm khó khăn chồng chất vào thời điểm này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên và trả lời cho báo giới.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Bộ GTVT, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ đã báo cáo, kiến nghị giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp BOT do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo phương án tài chính.

Tính đến hết năm 2019, 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13 - 15% và 3 dự án chưa được thu, đang tạm dừng thu.

Nguyên nhân chủ yếu do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016. Đặc biệt, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng.

Được biết các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ với các khoản vay. Doanh nghiệp BOT thêm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi lưu lượng phương tiện giảm sâu, doanh thu giảm.

Qua tổng hợp số liệu thống kê của các doanh nghiệp BOT, có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính, trong đó 17 dự án doanh thu chưa đạt được 50% so với dự báo.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thu phí. Phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải.

Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022 nhưng nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ tính toán kinh phí cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu giảm trên 50% so với phương án tài chính. Trường hợp cần thiết đề xuất nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

Tin mới lên