Thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber bị điều tra do nghi ngờ vi phạm luật cạnh tranh

Trang Lê - 31/03/2018 18:39 (GMT+7)

(VNF) – Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đang tiến hành điều tra lại thương vụ sáp nhập giữa Grab và Uber.

VNF
Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cho biết họ có cơ sở để nghi ngờ Grab và Uber đã vi phạm Đạo luật cạnh tranh.

Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) cho biết họ có cơ sở để nghi ngờ Grab và Uber đã vi phạm Đạo luật cạnh tranh và đã đề xuất các biện pháp tạm thời để bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trong khi tiến hành điều tra lại thương vụ sáp nhập này.

Đây là lần đầu tiên cơ quan giám sát cạnh tranh đề xuất biện pháp tạm thời cho các công ty mà họ đang điều tra.

Các biện pháp này, nếu được thực hiện, sẽ yêu cầu Grab và Uber phải tiếp tục duy trì các chính sách định giá và hoạt động như bình thường trước khi thực sự hoàn tất thủ tục bán lại.

Đại diện Grab cho biết sau khi công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, Grab sẽ dừng hoạt động của ứng dụng Uber vào ngày 8/4 và ứng dụng UberEats vào cuối tháng 5.

Lời tuyên bố của Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) về vấn đề vi phạm luật cạnh tranh là diễn biến mới nhất trong thỏa thuận sáp nhập Grab – Uber tính tới thời điểm này.

Theo Đạo luật cạnh tranh, Ủy ban này có quyền ban hành các chỉ thị tạm thời liên quan đến các thương vụ sáp nhập mà chưa được chính thức hoàn tất và đang được điều tra.

CCS cho biết cả hai công ty này vẫn chưa được phép thực hiện bất kỳ hành động nào dẫn đến sự sáp nhập các hoạt động kinh doanh của họ hiện tại, và nhất là có ảnh hưởng đến sự tồn tại và khả năng bán lại hoạt động kinh doanh của đối phương.

Grab và Uber cũng không nên ảnh hưởng đến khả năng bán lại các hoạt động kinh doanh của đối phương tại các thị trường bị ảnh hưởng.

Một biện pháp tạm thời khác được yêu cầu là cả hai công ty này không được giữ bất kỳ thông tin bí mật nào đối với nhau, bao gồm cả công thức tính giá, chiến lược, khách hàng và quá trình hoạt động, quản trị doanh nghiệp.

Grab cũng phải đảm bảo các lái xe của Uber được tiếp tục hoạt động kinh doanh mà "không phải chịu bất kỳ điều khoản độc quyền nào, thời gian ngừng hoạt động và/hoặc phí chấm dứt hoạt động".

Cuối cùng, cả Grab và Uber không được thực hiện bất kỳ hành động nào làm ảnh hưởng đến khả năng áp dụng các biện pháp tạm thời của Ủy ban CCS.

Tuy nhiên, theo CCS, Grab và Uber có thể trình văn bản trình bày vấn đề của họ và Ủy ban này sẽ xem xét trước khi đưa ra quyết định về việc ban hành các chỉ thị tạm thời như trên.

Chỉ thị trên của Ủy ban có thể có hiệu lực ngay từ ngày ban hành cho đến khi họ hoàn tất quá trình điều tra, hoặc trừ khi có các quy định khác.

Khi được hỏi liệu Grab có mong muốn rút lại bất kỳ chỉ thị nào đã được thực hiện kể từ khi thông báo sáp nhập, bao gồm cả việc đưa nhân viên của Uber vào diện nghỉ phép có lương thì Lim Kell Jay, người đứng đầu Grab tại Singapore cho biết, công ty này sẽ đệ trình văn bản phản hồi lên Ủy ban CCS và đề xuất biện pháp trấn an cơ quan giám sát, bao gồm việc duy trì cấu trúc giá vé và không tăng giá vé cơ bản.

Về phía Uber, họ vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi ra cho tới thời điểm hiện tại.

Theo Ủy ban, nếu việc sáp nhập của Grab và Uber có thể dẫn tới việc giảm cạnh tranh đáng kể giữa hai công ty này, thì Ủy ban có quyền yêu cầu tháo gỡ hoặc sửa đổi việc sáp nhập.

Trong trường hợp vi phạm Đạo luật Cạnh tranh, Ủy ban có thể áp dụng hình phạt tài chính lên đến 10% doanh thu tại thị trường Singapore cho mỗi năm vi phạm, tối đa là 3 năm.

Các chuyên gia cho biết các chỉ thị tạm thời này ít nhiều nhắm đến mục địch ngăn chặn tiến trình sáp nhập của hai công ty mà có thể dẫn đến sự thống trị của Grab.

Ông Walter Theseira, giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: "Đây là biện pháp mang tính hiệu chỉnh lại thương vụ sáp nhập của Grab và Uber chứ không phải là một quyết định tùy ý. Ủy ban CCS cần phải công bố chi tiết về việc sáp nhập giữa hai công ty này và những lợi ích của cộng đồng có thể bị tổn hại".

"Grab và Uber cần phải chuẩn bị sẵn sàng đưa ra lời giải thích hợp lý cho thương vụ của họ, liệu nó có phù hợp với Đạo luật Cạnh tranh hay không", ông Walter nhất mạnh thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.