M&A

Thương vụ triệu đô của Hưng Hải Group tại Bình Phước

Tiếp nhận 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) với vai trò là nhà đầu tư sơ cấp, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) và các đối tác đã lần lượt sang tên lại cho nhà đầu tư Thái Lan để kiếm lời. Không chỉ trong ngành năng lượng, Hưng Hải Group cũng có mối liên hệ với một loạt doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực thuộc ngành công thương.

Thương vụ triệu đô của Hưng Hải Group tại Bình Phước

Hưng Hải Group là nhà đầu tư của nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện tại nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh: Thanh Nam

Tháng 3/2020, Công ty năng lượng Thái Lan - Super Energy Corporation (SUPER) công bố thông tin đầu tư vào các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 với tổng công suất lắp đặt khoảng 750 MW.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thực hiện thâu tóm dự án Lộc Ninh 1, SUPER tham gia góp vốn với tỷ lệ 49% tại doanh nghiệp trung gian là Công ty Cổ phần SSE Việt Nam 1 (SSEVN1). Tiếp đó, công ty mua lại 51% cổ phần còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như với số tiền tối đa 17,8 triệu USD để nắm giữ 100% vốn tại SSEVN1.

Trong khi đó, dự án Nhà máy Điện mặt trời Lộc Ninh 1 được sở hữu bởi Công ty Cổ phần Năng lượng Lộc Ninh - doanh nghiệp được thành lập vào tháng 10/2018, với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Năng lượng Lộc Ninh bao gồm 4 cổ đông sáng lập là: Công ty Cổ phần Năng lượng Nậm Na 3 (chiếm 20% vốn), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (chiếm 65% vốn), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (chiếm 12% vốn) và ông Trần Đình Hải (nắm giữ 3% vốn). Sau một thời gian hoạt động, một số cổ đông lớn của công ty bắt đầu tiến hành thoái vốn. Theo thông tin từ SUPER, 70% cổ phần Năng lượng Lộc Ninh do SSEVN1 nắm giữ. Qua đó, SUPER gián tiếp sở hữu 70% dự án Lộc Ninh 1.

Bên cạnh số tiền chi trả trực tiếp cho các cổ đông nêu trên, SUPER “rót” thêm 81,9 triệu USD để chi trả giá trị hợp đồng xây dựng và chi phí phát triển dự án điện mặt trời.

Cách thức thâu tóm các dự án còn lại cũng được SUPER tiến hành tương tự. Cụ thể, công ty mua 100% cổ phần tại Công ty Cổ phần SSELN2 và Công ty Cổ phần SSEBP3 để sở hữu 100% vốn tại dự án Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4. Thương vụ "khủng" của công ty Thái Lan này có tổng giá trị tới 456,7 triệu USD, trong đó, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD. Mới đây, công ty đã ký kết hợp đồng đầu tư dự án Lộc Ninh 1, 2 và 3, với tổng công suất lắp đặt là 550 MW.

Một điểm chung tại các công ty trung gian (SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4) là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như đều đứng tên 51% cổ phần được bán lại cho SUPER. Còn các nhà đầu tư sơ cấp tại cụm dự án Lộc Ninh lại mang nhiều dấu ấn của doanh nhân Trần Đình Hải - Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group.

Hưng Hải Group là nhà đầu tư của nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện như: Thủy điện Suối Chăn ở Lào Cai, Thủy điện Tả Páo Hồ; Thủy điện Nậm Na 2, Thủy điện Nậm Na 3 ở Lai Châu; Thủy điện Sông Mã 3 ở Điện Biên... Các dự án thủy điện của Hưng Hải Group từng bị đặt dấu hỏi về việc “chiếm dụng” dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng.

Theo tìm hiểu, Hưng Hải Group và bà Châu Mộng Như cũng có mối liên hệ với một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, làm đẹp, đặc biệt là trong lĩnh vực thuộc ngành công thương, với quy mô hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Đất hiếm Tây Bắc, Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến đất hiếm Nậm Xe, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất Lào Cai…

 

Tin mới lên