M&A

Thương vụ tuần qua: ‘Bom tấn’ sáp nhập giữa Vingroup và Masan, đại gia Singapore thâu tóm công ty quản lý quỹ VAM

(VNF) - Cái bắt tay giữa Vingroup và Masan trong mảng bán lẻ là “bom tấn” sáp nhập trên thị trường tuần qua. Ngoài ra, thị trường đón nhận thông tin đại gia Singapore đang quản lí 35,1 tỷ đô la Singapore (tương đương 597.168 tỉ đồng), UOB Asset Management sẽ chi gần 114 tỷ đồng mua lại Quản lý quỹ VAM Việt Nam khi công ty này đang thua lỗ.

Thương vụ tuần qua: ‘Bom tấn’ sáp nhập giữa Vingroup và Masan, đại gia Singapore thâu tóm công ty quản lý quỹ VAM

VinCommerce, VinEco về với Masan Consumer Holding

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vingroup đang tập trung vào 8 lĩnh vực chính gồm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Trong đó, VinCommerce và VinEco là hai nhân tố chính trong mảng bán lẻ và nông nghiệp.

Sau khi thương vụ sáp nhập với Công ty Hàng tiêu dùng Masan hoàn tất, Vingroup sẽ chính thức không còn điều hành trực tiếp hai mảng kinh doanh này.

Sau khi xuất hiện thông tin sáp nhậpVinCommerce, Vineco với Masan Consumer Holding, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá mạnh cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan lên đến 417 tỷ đồng.

Động thái xả hàng MSN của khối ngoại khiến giá cổ phiếu này liên tục đi xuống. Trong đó, có phiên 3/12 cổ phiếu này giảm xuống giá sàn. Với 4 phiên bị giảm, tổng cộng sau một tuần, MSN chốt ở giá 62.500 đồng/cổ phiếu, giảm đi 6.500 đồng, tương ứng giảm gần 10% so với thời điểm trước 3/12.

Ngược lại, cổ phiếu VIC đã có 3 phiên tăng giá nhẹ liên tiếp trong tuần này và chốt phiên ở mức 115.900 đồng/cổ phiếu, tăng thêm 200 đồng sau một tuần.

UOB của Singapore dự chi gần 5 triệu USD mua lại Quản lý quỹ VAM Việt Nam

UOB Asset Management, thành viên của United Overseas Bank (UOB) đang đàm phán để mua lại Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VAM Việt Nam (VAM Vietnam Fund Management JSC). Thương vụ có giá trị 4, 912 triệu USD (6,7 triệu đô la Singapore).
The Business Times cho biết UOB Asset Management đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại 1,13 triệu cổ phần VAM Việt Nam từ ông Nguyễn Xuân Minh, tương ứng 24,53% vốn điều lệ công ty.

Hiện, 2 bên đang chờ được sự phê duyệt của cơ quan chức năng tại Việt Nam và Singapore.

Sau khi được chấp thuận từ cơ quan chức năng, UOB Asset Management sẽ mua thêm 3,47 triệu cổ phần VAM Việt Nam, tương ứng 75,47% vốn điều lệ công ty từ các cổ đông khác.

Khi thương vụ được hoàn tất, VAM Việt Nam sẽ trở thành công ty con của UOB Asset Management.

Quản lý quỹ VAM Việt Nam tiền thân là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư VIPC được thành lập năm 2009. Vốn điều lệ của công ty hiện là 46 tỷ đồng.

Tại ngày 31/10/2019, giá trị tài sản ròng của Quản lý quỹ VAM Việt Nam đạt khoảng 26 tỷ đồng và tài sản dưới quyền quản lý (AuM) khoảng 114 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quản lý quỹ VAM Việt Nam từng đảm nhiệm các vị trí như Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Chứng khoán Kỹ thương - Techcom Securities (TCBS), Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Minh từng có kinh nghiệm quản lý quỹ đầu tư tại Công ty Franklin Templeton Investments. Tại Franklin Templeton Investments, ông Minh tham gia hội đồng quản lí một số quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng và riêng lẻ tại các thị trường trong khu vực.

GTNfoods đẩy mạnh thoái vốn, tái cấu trúc

Ngày 16/12 tới, Công ty Cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN) sẽ trình ĐHCĐ bất thường thông qua phương án thoái vốn tại hàng loạt công ty để tái cấu trúc.

Cụ thể, GTNfoods sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp GTN (GTNARM) với mức giá chuyển nhượng hơn 490 tỷ đồng. Hiện, GTNfoods đang sở hữu 99,99% vốn tại GTNARM.

Đơn vị thứ 2 mà GTNfoods  muốn thoái toàn bộ vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư và khai thác tài sản GTNfoods. GTNfoods sẽ chuyển nhượng 99,95% cổ phần đang sở hữu tại đây với mức giá chuyển nhượng là 235,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, GTNfoods sẽ bán lại Công ty TNHH Hàng tiêu dùng GTNfoods (GTNFoods Consumers) do GTN sở hữu 100% vốn với giá chuyển nhượng 8 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ sẽ uỷ quyền cho HĐQT triển khai công tác thoái vốn: tìm kiếm đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng các khoản đầu tư để thoái vốn, quyết định các công việc, thủ tục phát sinh có liên quan.

Động thái thoái vốn của GTNfoods diễn ra trong bối cảnh cơ cấu cổ đông của công ty có nhiều xáo trộn.

Cổ đông lớn nhất của GTNfoods là Công ty Cổ phần Invest Tây Đại Dương cấp tập thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu từ 28,52% vốn xuống 14% trong tháng 11. Cùng với đó là quá trình thoái vốn của khối ngoại.

Ở chiều ngược lại, Vinamilk đã nâng sở hữu và trở thành cổ đông lớn nhất tại GTNfoods. Vinamilk nhắm đến GTNfoods vì đơn vị này sở hữu chi phối tại Sữa Mộc Châu, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và thương hiệu rượu vang Ladofoods.

Đặc biệt, Sữa Mộc Châu có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với khoảng cách địa lý gần, chất lượng sữa tươi đảm bảo. Hiện tại Sữa Mộc Châu đang hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với sản lượng trước mắt dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.

Luỹ kế 9 tháng năm 2019, GTNfoods đạt doanh thu thuần 2.270 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khoảng 64 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý III, tổng tài sản công ty đạt 4.775 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho giảm 94 tỷ đồng, xuống còn 316 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gần 978 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 38 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 2 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bán hàng chục triệu cổ phiếu FLC Faros

Từ ngày 6/12 đến ngày 3/1/2019, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 21 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (HoSE:ROS) theo phương thức thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, ông Trịnh Văn Quyết sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại ROS xuống 51,3% vốn điều lệ, tương đương hơn 291 triệu cổ phiếu.

Cách đây hơn 1 tháng, vào đầu tháng 10, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã công bố bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,34% xuống 55,01% vốn điều lệ công ty.

Trong thời gian ông Trịnh Văn Quyết thực hiện giao dịch, từ ngày 5/9 đến ngày 1/10/2019, thị trường ghi nhận hơn 101 triệu cổ phiếu ROS được giao dịch thoả thuận, với tổng giá trị 2.674 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi cổ phiếu được bán ra với giá 26.475 đồng. Tạm tính theo mức giá 26.475 đồng/cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 1.800 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch hồi tháng 10.

Ông Trịnh Văn Quyết hiện là Chủ tịch HĐQT của FLC Faros, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways.

Về kết quả kinh doanh, quý III/2019, ROS ghi nhận doanh thu hơn 1.179 tỷ đồng, gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng chỉ đạt 8,13 tỷ đồng, giảm hơn 46,4% so với cùng kỳ 2018.

ROS giải trình, lợi nhuận quý III/2019 giảm so với cùng kỳ là do trong kỳ ROS mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhưng chưa ghi nhận doanh thu theo quy định. Tuy nhiên, công ty đã phải ghi nhận một số chi phí theo quy định của chuẩn mực và luật kế toán.

Trong quý III, ROS ghi nhận giá vốn hàng bán trong kỳ tăng mạnh, gấp hơn 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức 1.137 tỷ đồng. Bên cạnh đó các khoản chi phí đều tăng khá mạnh, cụ thể, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng 10,24% lên 34,33 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 27,35%, lên hơn 624 triệu đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 84,24%, lên 31,67 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, ROS ghi nhận doanh thu 3.514,48 tỷ đồng, tăng 72,54% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 63,9% kế hoạch cả năm (5.500 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 76,45 tỷ đồng, giảm 17,83% so với cùng kỳ, hoàn thành 21,72% mục tiêu cả năm (352 tỷ đồng).

Tại ngày 30/9/2019, tổng tài sản của ROS đạt hơn 10.945 tỷ đồng, tăng hơn 3,35% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 49% tổng tài sản, với hơn 5.289 tỷ đồng với hơn một nửa đến từ phải thu cho vay ngắn hạn (hơn 2.932 tỷ đồng). Hàng tồn kho tăng gần 40%, lên hơn 2.338 tỷ đồng.

Nợ phải trả gần 4.982 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt hơn 1.434 tỷ đồng, tăng hơn 39%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm này gần 265 tỷ đồng, tăng gần 41%.

Tin mới lên