Tiếp nối các ngân hàng Phố Wall, Goldman Sachs hạ dự báo GDP Trung Quốc

Linh Anh - 19/06/2023 16:20 (GMT+7)

(VNF) - Goldman Sachs đã trở thành ngân hàng Phố Wall mới nhất hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại và "mất đà" sau khi mở cửa trở lại do đại dịch COVID-19.

VNF
Ảnh minh họa.

Theo đó, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm cho năm 2023 của Trung Quốc từ mức 6% xuống 5,4%, lưu ý rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ còn nhiều bất ổn ở phía trước. Sự phục hồi sau các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19 tiếp tục gây thất vọng do dữ liệu kinh tế yếu, cũng như áp lực gia tăng đối với lĩnh vực bất động sản.

Dữ liệu tháng 5 được công bố vào tuần trước cho thấy sự phục hồi đang yếu đi và ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chính sách cơ bản để giảm chi phí đi vay và thúc đẩy tâm lý. 

Mặc dù Goldman Sachs nhận thấy sẽ có thêm các biện pháp kích thích, nhưng ngân hàng này lưu ý rằng các biện pháp này sẽ không đủ để khắc phục những vấn đề lớn hơn mà Trung quốc phải đối mặt, đó là tâm lý suy yếu.

“Việc sử dụng bất động sản và cơ sở hạ tầng theo con đường cũ để tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ không phù hợp với kiểu 'tăng trưởng chất lượng cao' mà giới lãnh đạo nước này đã nhiều lần nhấn mạnh", ngân hàng đầu tư Phố Wall nhận xét. 

Các nhà kinh tế của Goldman cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng những cơn gió ngược tăng trưởng có thể sẽ kéo dài dai dẳng trong khi các nhà hoạch định chính sách bị hạn chế bởi những cân nhắc về kinh tế và chính trị trong việc đưa ra các biện pháp kích thích có ý nghĩa”. 

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng không kỳ vọng chính quyền trung ương sẽ phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt, vì trước đây loại trái phiếu này chỉ được bán 3 lần trong các giai đoạn đặc biệt khó khăn bao gồm cả đại dịch năm 2020 và trong cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Goldman Sachs cho rằng chính phủ Trung Quốc cũng khó có thể khởi động một đợt tái phát triển khu ổ chuột khác như đã làm vào năm 2015, bơm tiền của ngân hàng trung ương vào thị trường bất động sản để chi trả cho việc đổi mới đô thị và bồi thường cho các hộ gia đình có nhà bị phá hủy trong quá trình đó. Điều đó dẫn đến sự gia tăng giá bất động sản và doanh số bán hàng.

Thay vào đó, Trung Quốc có thể đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, vốn chủ yếu được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, theo các nhà phân tích tại Goldman. 

Các nhà chức trách nước này cũng có thể tiếp tục nới lỏng các chính sách về tài sản bao gồm hạ thấp yêu cầu thanh toán trước, cắt giảm lãi suất thế chấp và loại bỏ các hạn chế mua ở các thành phố hàng đầu, họ nói.

Các quan chức cũng đang hỗ trợ các ngành công nghiệp được coi là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, chẳng hạn như sản xuất cao cấp và phương tiện năng lượng mới. 

Theo Goldman, trong khi các chính sách hỗ trợ như cho vay dễ dàng hơn, cắt giảm thuế và trợ cấp có thể sẽ tiếp tục hoặc thậm chí tăng lên, thì tác động đối với tăng trưởng GDP có thể bị hạn chế vì những kế hoạch này đã được thực hiện trong nhiều năm.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nói thêm rằng có rất nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô mà quốc gia phải đối mặt.

“Với việc thúc đẩy mở cửa trở lại nhanh chóng mờ dần, những thách thức trung hạn như nhân khẩu học, suy thoái bất động sản kéo dài nhiều năm, các vấn đề nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương và căng thẳng địa chính trị có thể bắt đầu trở nên quan trọng hơn trong triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc”, các chuyên gia kinh tế cho hay.

Ngoài ra, đồng NDT được cho là có triển lược kém hơn so với USD do chênh lệch lãi suất, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ của mình hơn nữa trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang gợi ý về nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới.

Bản sửa đổi dự báo mới nhất từ ​​Goldman Sachs theo sau các ngân hàng như UBS, Bank of America và JPMorgan, những ngân hàng đã hạ thấp ước tính GDP cả năm của Trung Quốc.

Cụ thể, UBS đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc từ 5,7% xuống còn 5,2%, và cho rằng nền kinh tế nước này sẽ yếu kém nhất trong quý II.

JPMorgan hạ triển vọng từ 5,9% xuống còn 5,5%; Bank of America hạ dự báo từ 6,3% xuống còn 5,7%. Tương tự, Nomura và Standard Chartered cũng hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống khoảng 0,4% so với những lần dự báo trước.

Xem thêm >> Sợ bị điều tra tham nhũng, giới tài chính Trung Quốc bắt đầu từ bỏ lối sống xa hoa

Theo Bloomberg, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác