Trung Quốc ‘chảy máu triệu phú’ nhiều nhất thế giới
Thanh Tú -
14/06/2023 16:50 (GMT+7)
(VNF) - Theo ước tính của công ty tư vấn tài chính Henley & Partners, Trung Quốc sẽ là nước ghi nhận nhiều triệu phú rời khỏi đất nước nhất trong năm nay, trong bối cảnh tốc độ gia tăng tài sản của quốc gia này chậm lại.
Cụ thể, trong báo cáo được công bố ngày 13/6, Henley & Partners ước tính khoảng 13.500 triệu phú nắm giữ khối tài sản có thể đầu tư trị giá từ 1 triệu USD trở lên sẽ rời khỏi Trung Quốc trong năm nay.
Theo báo cáo, chiến dịch thúc đẩy “thịnh vượng chung” của Trung Quốc là một nguyên nhân tiềm tàng khiến các doanh nhân giàu có của nước này đổ xô tới những quốc gia cởi mở hơn như Singapore hoặc có kế hoạch dự phòng trong những năm gần đây.
Thêm vào đó, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 kéo dài của Trung Quốc cũng đã tạo thêm lý do để những người giàu có ra nước ngoài sinh sống.
Ngoài Singapore, người Trung Quốc cũng có xu thế chuyển sang Mỹ, Canada, Australia và một số nước châu Âu.
Ông Andrew Amoils, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty dữ liệu New World Wealth, cho biết: “Tăng trưởng tài sản nói chung ở Trung Quốc đã chậm lại trong vài năm qua, điều đó có nghĩa là dòng chảy triệu phú ra nước ngoài gần đây có thể gây thiệt hại nhiều hơn bình thường”.
Cũng theo ông Amoils, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2000 đến năm 2017, nhưng kể từ đó đến nay, số lượng của cải và triệu phú ở nước này lại gia tăng không đáng kể.
Dù Trung Quốc được dự báo sẽ có 823.800 triệu phú trong năm nay, xu hướng di cư của các triệu phú sẽ khiến nước này thất thoát hàng tỷ USD và làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Năm ngoái, theo ước tính của Henley & Partners, khoảng 10.000 cư dân Trung Quốc đã tìm cách chuyển tổng cộng 48 tỷ USD khỏi nước này.
Sự phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc từng được cho là sẽ làm "rung chuyển" thế giới, nhưng thay vào đó, dữ liệu kinh tế cập nhật đến tháng 4 của nước này không như kỳ vọng, thậm chí là "lung lay", theo Economist.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CEBR (Anh), cũng từng dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm tới năm 2030.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thì nhận định việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ.
Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết dân số già của Trung Quốc và xu hướng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, cùng với những thách thức khác, đã khiến ông giảm kỳ vọng đáng kể về tăng trưởng của quốc gia này.
Khái niệm “thịnh vượng chung” được cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1950, sau đó được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sử dụng khi thể chế hoá việc cải cách lĩnh vực kinh tế tư nhân vào những năm 1980 để tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển ngoạn mục của Trung Quốc trong những thập kỷ sau này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng nhu cầu “thịnh vượng chung” của người dân Trung Quốc là yếu tố then chốt để Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì quyền lực và đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển giàu mạnh toàn diện vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Trung Quốc mới, bởi đây chính là một phần quan trọng trong mục tiêu 100 năm lần thứ hai của Trung Quốc.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.